Vantai24h - An toàn là yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất, quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả trong một chuyến, một đợt vận chuyển.
Cùng với chuẩn bị tâm lý trước khi chở hàng theo yêu cầu, mỗi lái xe cần làm tốt công tác kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện. Kết quả này chính là thể hiện nếp sống kỷ luật, ý thức tôn trọng luật giao thông, yêu nghề có văn hóa cao trong công việc đã chọn lựa. Vậy, các lái xe của vantai24h đã làm như thế nào với việc này?
Công tác kiểm tra tình trạng kỹ thuật của phương tiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thời gian, không gian, địa điểm, cách thức, phương tiện, trình độ kinh nghiệm của người thực hiện, trong đó, trách nhiệm của lái xe là quan trọng nhất. Để đạt hiệu quả kiểm tra, các lái xe cần nắm chắc lịch sử của xe đến thời điểm kiểm tra.
Trước hết, phải xác định được, tại thời điểm kiểm tra, phương tiện đã chạy được bao nhiều ki-lo-mét, đã thay dầu nhớt được bao lâu, bảo dưỡng vừa và nhỏ mấy lần... Xe hay có các hiện tượng như thế nào cần chú ý?
Bước 1: Kiểm tra trong
Mở cửa ca bin buồng lái, mở khóa điện, kiểm tra hệ thống đồng hồ báo dầu... Nếu đồng hồ chạy ổn định và chỉ vào các thông số là tốt. Bật các loại đèn pha, cốt, nhan và thử hoạt động của cần gạt mưa, còi...
Lưu ý: Hệ thống đèn chiếu sáng trên xe là một bộ phận rất quan trọng, nó đóng vai trò quyết định đến khả năng báo hiệu cũng như mở rộng tầm nhìn khi xe vận hành vào ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu. Chính vì thế, việc kiểm tra thường xuyên hệ thống chiếu sáng và báo hiệu phía trước cũng như phía sau là rất cần thiết, đặc biệt là trước những chuyến đi dài ngày. Nếu có bất kì sự bất thường nào về độ sáng hay đèn bị "đứt bóng" hẳn thì chúng ta nên thay ngay bóng đèn đó để vận hành an toàn.
Bước 2: Kiểm tra ngoài
Tiến hành theo thứ tự: Bên lái, ra trước đầu xe, bên phụ, về sau và về bên lái. Quá trình kiểm tra chú ý xem gương, gạt mưa, hơi lốp, dây buộc bạt, khóa thùng xe, thùng dầu, bình điện....
Kiểm tra lốp xe: Lốp xe là một bộ phận quan trọng hàng đầu vì nó chính là điểm cuối cùng tiếp nhận sức mạnh do động cơ sản sinh ra. Chiếc xe có vận hành ổn định, êm ái và an toàn hay không là do sự ảnh hưởng rất lớn của lốp xe. Kiểm tra lốp xe bằng mắt thường xem độ mòn của lốp có vượt quá quy định hay không. Nếu vận chuyển dài ngày phải chuẩn bị phương án thay thế bảo đảm xe vận hành an toàn cao nhất. Tiếp đến là kiểm tra áp suất hơi của cả 4 chiếc lốp trên xe. Lốp quá căng hay quá non đều ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận hành, độ bám đường và mức tiêu hao nhiên liệu của chiếc xe. Nếu muốn kiểm tra chính xác thì cần trang bị đồng hồ đo áp suất lốp cắm trực tiếp vào vòi bơm của bánh xe hoặc lắp một bộ cảm biến áp suất lốp.
Bước 3: Kiểm tra nước làm mát động cơ
Lật ca bin, tìm đến vị trí của bình chứa nước làm mát và kiểm tra xem mực nước có còn đảm bảo hay không. Thường mực nước làm mát tốt nhất là nằm giữa 2 vạch Full/Low in trên thân bình. Nếu mực nước nằm ngoài 2 vạch đó hoặc có màu/mùi khác lạ, chúng ta cần phải thay nước làm mát mới ngay.
Bước 4. Kiểm tra dầu bôi trơn động cơ (nhớt máy)
Để kiểm tra tình trạng của dầu bôi trơn động cơ, các bạn có thể tìm chiếc que thăm nhớt máy (thường đặt cạnh động cơ và có màu vàng). Sau đó, bạn rút mạnh chiếc que này ra, dùng một tấm khăn giấy hay một chiếc giẻ sạch để lau từ trên xuống dưới. Tiếp theo, bạn cắm chiếc que thăm nhớt vào động cơ và rút ra lại. Sau đó, chúng ta nhìn xem mức dầu trong máy có nằm trong khoảng giữa 2 vạch Max và Min hay không. Nếu nó nằm ngoài 2 vạch đó, chúng ta phải xử lý ngay bằng cách châm thêm hoặc rút bớt ra.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các lái xe Vantai24h, quá trình kiểm tra nên chú ý đến màu và mùi của dầu bôi trơn động cơ, nếu chúng có màu đen hoặc mùi khét thì có thể động cơ đang có vấn đề. Trường hợp này, chúng ta nên đưa xe vào xưởng dịch vụ của hãng để kiểm tra một cách cẩn thận và biết được tình trạng chính xác của động cơ.
Bên cạnh đó, nếu trường hợp tăng/giảm mức dầu diễn ra thường xuyên, điều này chứng tỏ dầu bôi trơn động cơ đã bị rò rỉ ra bên ngoài hoặc bị chất lỏng khác rò rỉ vào trong do động cơ gặp phải một vấn đề nào đó. Gặp trường hợp này các lái xe cảu Vantai24h thường cho xe vào hãng để kiểm tra và có giải pháp khắc phục một cách tốt nhất.
Bước 5. Kiểm tra dầu trợ lực lái và dầu phanh
Hệ thống phanh và hệ thống đánh lái là những bộ phận liên quan trực tiếp đến sự điều khiển và can thiệp của tài xế khi chiếc xe đang vận hành. Do đó, 2 bộ phận này là nhân tố rất quan trọng đảm bảo cho khả năng xử lý tình huống và đảm bảo an toàn khi lái. Chính vì thế, việc kiểm tra dầu trợ lực lái và dầu phanh một cách kỹ lưỡng trước khi đi xa là một điều rất cần thiết.
Cùng với việc kiểm tra trên, các lái xe của Vantai24h tìm đến các bình dầu phanh và dầu trợ lực lái, bình chứa nước rửa kính ngay trong khoang động cơ và mở nắp ra để kiểm tra xem mực dầu, nước có nằm ở mức cho phép hay không và nếu thiếu thì bổ sung ngay.
Bước 6. Kiểm tra hệ thống ắc quy
Việc đầu tiên mà các lái xe của Vantai24h tiến hành là kiểm tra các điện cực nằm ở phía trên nắp bình. Bằng mắt thường, nếu tất cả các điện cực đều phải được kết nối và không có bất kì hiện tượng chập điện cũng như cháy xém, có màu lạ hoặc chất lỏng rò rỉ từ bên trong bình ra ngoài... là được. Tiếp đó, các lái xe kiểm tra đến mực nước bên trong bình ắc quy. Nhìn xuống phía dưới phần thân bình, họ thấy được mực nước bên trong có nằm giữa 2 vạch Upper và Lower Level (Cao/Thấp) hay không.
Nếu thấy mực nước xuống thấp quá, các lái xe sẽ đổ thêm hoặc thay luôn bình ắc quy mới nếu nó đã thời kỳ thay thế. Thông thường những bình ắc quy loại phổ biến có tuổi thọ từ 2-3 năm tùy theo nhãn hiệu cũng như chất lượng bình.
Cuối cùng là nên ca-bin nổ máy và chạy thử kiểm tra động một lần tất cả các hệ thống đảm bảo an toàn.
Trên đây là những bước kiểm tra tình trạng kỹ thuật mà các lái xe của vantai24h thường thực hiện trước mỗi khi vận chuyển, dù là thời gian vận chuyển ngắn, hay dài ngày. Kinh nghiệm của các lái xe Vantai24h đã khẳng định, việc tạo thói quen kiểm tra kỹ lưỡng phương tiện giúp cho quá trình vận chuyển luôn an toàn tuyệt đối.
TÂM ĐỨC