Vantai24h - Thời gian gần đây, do sự biến đổi của khí hậu và hạ tầng cấp thoát nước còn hạn chế nên tình trạng ngập đường sau các cơn mưa lớn, kéo dài diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Việc này dễ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng đường bộ nếu không có biện pháp phòng ngừa trước.
Lái xe tải trọng 1,25 tấn Nguyễn Tiến Hiệu của Công ty Vantai24h cho biết, xe tắc-xi tải có gầm thấp hơn các loại xe tải có tải trọng lớn hơn nên việc đi vận hành gặp đoạn đường ngập nước sâu sẽ dễ ảnh hưởng đến tình trạng kỹ thuật của phương tiện. Biểu hiện rõ nhất là xe bị chết máy giữa đường, có thể gây tai nạn, ùn tắc giao thông. Anh Ngô Văn Hoàng, cũng là lái xe của Vantai24h thì bộc bạch, những đoạn đường ngập nước khiến lái xe không thể phát hiện được ổ gà, ổ voi, nắp hố ga… Nếu đi vào đường mà bất ngờ gặp những vật cản này thì rất nguy hiểm, hàng trên xe bị xô lệch, đổ vỡ. Khi đã bị dính những vật cản này, cách tốt nhất là bình tĩnh, không nên cố tình vượt qua, cần liên hệ và nhờ sự trợ giúp của phương tiện chuyên dùng. Bởi nếu cố vượt qua, nước vào máy sẽ gây bó kẹt piston, cong tay biên, thậm chí là thổi đệm mặt máy.
Để không bị gặp các sự cố bất ngờ khi di chuyển qua các đoạn đường ngập nước, các lái xe của Vantai24h đã đưa ra một số kinh nghiệm sau:
1. Lựa chọn cho xe chạy giữa làn đường tránh đi vào được những chỗ nước ngập sâu. Bởi trong thiết kế, thường giữa mặt đường sẽ cao nhất và thoải dần sang hai bên nhằm thoát nước nhanh chóng. Do đó, khi vận hành xe giữa mặt đường thì sẽ hạn chế xe bị ngập sâu. Ngoài ra còn tránh được nguy cơ đi vào ổ gà, ổ voi hay hố ga... khiến xe bị ngập sâu trong nước, có thể gây chết máy.
2. Luôn đi số thấp và giữ đều chân ga khi đi trên đường ngập nước. Khi đi số thấp sẽ dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật vô tình gặp phải mà lái xe không quan sát được. Luôn luôn đều chân ga hoặc chỉ tăng ga khi phải đi qua những đoạn đường ngập quá ống xả. Vì khi đó dòng khí xả sẽ tạo ra lực đẩy lớn, không cho nước đi vào bên trong ống xả. Nếu không thể đi nhanh thì có thể giữ chân phanh nhưng vẫn đạp chân ga (ép côn).
Chú ý: Tuyệt đối không giảm ga khi nước ngập quá ống xả vì việc giảm ga sẽ làm giảm lực đẩy của dòng khí xả có thể làm cho nước dễ dàng vào bên trong ống xả.
3. Đi chậm và quan sát xe đi trước. Điều này sẽ giúp cho việc điều khiển xe dễ dàng đồng thời quan sát những chiếc xe phía trước để có thể tránh được những ổ voi, ổ gà mà xe phía trước gặp phải.
4. Không đi gần các xe tải trọng lớn. Những chiếc xe có tải trọng lớn sẽ tạo ra những cơn sóng lớn bất ngờ, có thể làm ngập đường ống nạp hay ống xả gây chết máy. Ngay cả khi trời mưa nhưng không ngập nước thì cũng không nên đi gần các xe này vì nó tạo ra những dòng nước bắn ra từ những bánh xe kích cỡ lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của lái xe. trong trường hợp này không nên cố vượt khi bạn chưa chắc chắn về tầm nhìn cũng như khả năng tăng tốc của xe mình.
5. Không nên đi qua khi mức nước lên quá nửa lốp xe. Khi mức nước ngập nửa lốp xe thì cách tốt nhất là không lên vượt qua mà giải pháp an toàn nhất là chọn đường khác để đi. Chỉ cố vượt qua nếu chắc chắn mực nước chưa ngập qua cổ hút gió.
6. Không cố gắng đi qua khi có xe đi ngược chiều. Khi đi qua khu vực nước ngập sâu phải quan sát kỹ và cố gắng tránh thời điểm có xe đi ngược chiều vì khi hai xe đi ngược chiều sẽ tạo sóng, làm nước tràn vào họng hút hoặc nắp máy, có thể làm ướt bugi gây chết máy.
7. Nên tắt điều hòa và phụ tải không cần thiết. Nếu mức nước cao trên trục láp là mức nguy hiểm, nên tắt công tắc AC – điều hoà, đi số 1, chạy đều ga ở mức độ vừa phải, giữ cho nổ tròn máy, đi thật chậm và ra hiệu cho xe ngược chiều cùng đi chậm tránh tạo sóng cao. Nếu nước cao đến giữa Padeshock thì tốt nhất là tắt máy, đẩy xe qua nơi nguy hiểm, rồi kiểm tra bầu lọc gió xem có nước vào không. Sau khi khởi động xe và đi, nhớ đạp nhẹ rà phanh một lúc cho má phanh khô để cho phanh có hiệu lực như bình thường. Với những xe có ống hút cao thì bạn vẫn phải cẩn thận vì nước có thể chui qua các lỗ thông khí trên vỏ cầu xe, trên thân máy làm hỏng dầu bôi trơn gây thiệt hại về sau. Còn đơn giản hơn là nước sẽ lọt qua các lỗ dưới sàn xe làm ướt nội thất, chập các linh kiện điện tử lắp dưới sàn.
Khi lái xe vượt qua vùng ngập nước, bạn nên tắt toàn bộ các thiết bị phụ tải không cần thiết như: hệ thống điều hòa, âm thanh… để giảm tải cho động cơ tránh trường hợp có thể chết máy đột ngột. Bên cạnh đó quạt gió của giàn nóng bị ngập nước mà cố gắng làm việc có thể bị cong và va đập vào dàn nóng.
8. Đừng cố gắng khởi động lại ngay khi xe bị chết máy
Khi xe vào đường ngập nước và đột ngột chết máy phải bính tĩnh để xác định nguyên nhân chết máy, nếu xác định chết máy là do nước vào bên trong động cơ thì tuyệt đối không được khởi động lại động cơ vì không những không thể nổ máy mà nó có thể sẽ làm bó kẹt piston, cong tay biên.
Ngoài ra, bạn hãy quan sát xem mực nước có vượt qua mép sàn xe hay chưa, nếu cao hơn thì tuyệt đối không mở cửa, vì nước sẽ tràn vào bên trong sẽ làm hư hỏng các hệ thống điện tử và các chất liệu nội thất khác trong xe.
9. Kiểm tra dầu máy, dầu cầu, dầu phanh, dầu côn. Ngay cả khi đã đi qua được đoạn đường nước ngập sâu thì bạn nên kiểm tra dầu máy, dầu cầu, dầu côn, dầu phanh xem có bị nước vào hay không. Có thể quan sát bằng mắt thường, nếu thấy dầu có màu sắc khác thường thì nên thay dầu mới bởi lẽ khi dầu có lẫn nước làm giảm khả năng bôi trơn (dầu máy, dầu cầu) và khả năng truyền lực (dầu phanh, côn) gây ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như chất lượng làm việc của các hệ thống.
10. Luôn lưu sẵn một số điện thoại cứu hộ giao thông trong danh bạ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết.
TÂM ĐỨC