Vantai24h - Ngày 25/03/2016 - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hồng Vân là một trong những đối tác lớn và lâu năm của Vantai24h kể từ khi thành lập cho đến nay. Với tính chất là công ty chuyên tổ chức các sự kiện nên đơn hàng của Hồng Vân thường phải vận chuyển dài ngày qua nhiều tỉnh, thành.
Đoàn xe tải của Vantai24h chờ nhận hàng tại Hà Nội
Chuyến vận chuyển hàng hóa dài ngày nhất mà Vantai24h phục vụ công ty Hồng Vân kéo dài 7 ngày qua 8 tỉnh, thành Bắc Bộ, từ phía Bắc, lên Đông Bắc rồi sang Tây Bắc. Sự ngẫu nhiên nhưng lại rất trùng hợp là cả 8 tỉnh, thành là Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái và Sơn La đều nằm trên trục Quốc lộ 37. Điểm nhận hàng tại Hà Nội rồi vận chuyển hàng hóa tới các sự kiện được tổ chức tại 8 tỉnh, thành trên. Điểm trả hàng đầu tiên là ở Thái Thụy (Thái Bình). Rồi tiếp tục vận chuyển hàng hóa tới Chí Linh (Hải Dương); Lục Nam, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa (Bắc Giang); Phú Bình, thành phố Thái Nguyên, Đại Từ (Thái Nguyên); Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang); Yên Bình, thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Văn Chấn (Yên Bái). Điểm trả hàng cuối cùng kết thúc chuyến vận chuyển tại Mai Sơn (Sơn La). Toàn bộ hành trình cả lái xe và xe tải sẽ phải đi trong 7 ngày, với tổng chiều dài đo được khoảng 600 km.
Nếu nhìn trên bản đồ sẽ thấy, Quốc lộ 37 như vòng cung bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, bởi vòng cung này bắt đầu từ phía đông bắc ôm phía Bắc và vòng sang Tây Bắc. Do đi qua nhiều tỉnh, thành nên Quốc lộ 37 có nhiều đoạn đi trùng hoặc giao với rất nhiều Quốc lộ khác như: Quốc lộ 1A (tại Kép, Lạng Giang); Quốc lộ 1B (tại Chùa Hang, Đồng Hỷ); Quốc lộ 3 (tại thành phố Thái Nguyên); Quốc lộ 10 (tại Vĩnh Bảo); Quốc lộ 18 (tại Sao Đỏ, Chí Linh); Quốc lộ 31 (tại Đồi Ngô, Lục Nam); Quốc lộ 32 (tại Văn Chấn); Quốc lộ 32B và Quốc lộ 43 (tại Phù Yên); Quốc lộ 70…
Lái xe Dương Minh Thành tham gia chuyến vận chuyển hôm đó cho biết: “Quốc lộ 37 đi qua nhiều vùng hẻo lánh, với địa hình núi non hiểm trở nhưng cũng rất hung vĩ, trong đó có dãy Tam Đảo (qua Đèo Khế) và dãy Hoàng Liên Sơn. Qua nhiều vùng có đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống mới thấy cuộc sống của nhiều người Việt Nam vẫn còn nghèo khổ. Quanh năm làm lụng vất vả, chịu sương, chịu rét mà vẫn không thấm tháp vào đâu”.
Với chiều dài gần 500 km, Quốc lộ 37 là tuyến giao thông huyết mạch của Bắc Bộ, vì vậy, những năm gần đây, nhiều đoạn tuyến trên Quốc lộ 37 đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng để phục vụ nhu cầu đi lại và nhu cầu vận tải của người dân. Năm 2015, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa đã được triển khai. Nâng chất lượng đường lên quy mô đường cấp III đồng bằng với tốc độ tối đa đạt 80 km/h, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giao lưu thương mại, kinh tế giữa hai tỉnh Thái Bình và Hải Phòng, đồng thời đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện qua cầu Sông Hóa.
Sang đến năm 2016, Bộ GTVT tiếp tục cho phép nâng cấp cải tạo quốc lộ 37 đoạn nối cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn với Hà Nội – Thái Nguyên. Dự án đi qua các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) với tổng chiều dài gần 35 km. Trong tương lai, Quốc lộ 37 sẽ là cầu nối mạng lưới giao thông vùng Bắc Bộ, nối các tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phía Bắc./.
PR: Thùy Liên