Vantai24h – Ngày 21/03/2016 – Những chuyến vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh miền núi phía Bắc mỗi ngày đã trở nên quá quen thuộc với những lái xe của Vantai24h. Mỗi chuyến giao nhận hàng hóa như này sẽ mất khoảng một ngày để hoàn thành.
Trong “Tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam thì Đèo Khau Phạ xếp ở vị trí thứ 2 sau đèo Ô Quy Hồ - Lào Cai. Đèo có độ dài trên 30 km, địa hình uốn lượn, quanh co và gấp khúc nên rất hiểm trở. Đèo Khau Phạ nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển. Đây cũng là tuyến đường chính nối Yên Bái với Lai Châu và Lào Cai và cũng là con đèo dài nhất trên tuyến quốc lộ 32.
Từ Hà Nội (đi hết đường Hồ Tùng Mậu) đến địa phận Cầu Diễn là bắt đầu Quốc lộ 32. Từ Cầu Diễn, xe tải tiếp tục đi thẳng qua các huyện, thị xã thuộc Hà Nội là Hoài Đức - Đan Phượng - Phúc Thọ - Thạch Thất - Sơn Tây - Ba Vì. Tiếp tục đến các huyện thuộc tỉnh Phú Thọ là: Thanh Thủy - Tam Nông - Thanh Sơn - Tân Sơn. Sau đó sẽ đến các huyện: Văn Chấn - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái. Rồi cuối cùng là đến huyện Than Uyên và kết thúc tại ngã ba Bình Lư, Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Như vậy, Quốc lộ 32 sẽ đi qua 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 400 km.
Nằm trên địa phận Quốc lộ 32 có rất nhiều đèo, trong đó phải kể đến Đèo Khau Phạ, con đèo huyền thoại mà nhiều người đam mê du lịch, khám phá luôn muốn đặt chân tới ít nhất 1 lần trong đời. Còn đối với những lái xe kỳ cựu của Vantai24h thì con đường huyền thoại này cũng dần trở nên rất đỗi quen thuộc, họ đặt chân đến đó không chỉ để thỏa niềm mơ ước được chinh phục “Tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc Việt Nam mà còn bởi con đường này hàng ngày vẫn luôn gắn bó với công việc, thậm chí gắn liền với thực tế cuộc sống của họ là cơm, là áo, là gạo, là tiền…
Hơn 30 km đường đèo Khau Phạ hàng ngày đón rất nhiều lượt xe từ xe ô tô con, ô tô khách đến tham quan, đến những xe tải nhiều loại tải trọng khác nhau vận chuyển hàng hóa luân chuyển giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải trong nội tỉnh Yên Bái nói riêng và giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh, thành khác nói chung. Do vậy, lượng xe lưu thông trên đoạn đường này rất lớn. Và khi di chuyển lái xe cũng cần phải cẩn thận. Đặc biệt là con đường đèo nằm ở trên cao nên quanh năm sương mù dày đặc. Lái xe cần chú ý khi lưu thông vào khoảng thời gian từ chiều tối đến rạng sáng ngày hôm sau.
Đèn cốt là một trong những thiết bị không thể thiếu khi di chuyển trong sương mù. Nếu sương mù dày đặc bật thêm đèn sương mù, cần thiết nữa có thể sử dụng đèn khẩn cấp (nháy 2 đèn xi-nhan liên tục) để cảnh báo các xe đi sau. Trong trường hợp đèn trước và đèn đỏ phía sau bị hỏng thì tuyệt đối không cố di chuyển tiếp. Trên cabin nên để sẵn chiếc đèn pin để khi cần là có để dùng. Trường hợp xấu sẽ phải dừng xe vào lề và nhờ sự hỗ trợ của những xe cùng lưu thông.
Luôn giữ đúng tốc độ, khoảng cách giữa 2 xe để có thể xử lý kịp thời tình huống. Trong điều kiện thời tiết bất lợi, sương mù kèm theo mưa phùn làm cho mặt đường trơn trượt, chính là nhân tố gây nguy hiểm cho cả người và phương tiện. Vì vậy, chú ý và làm chủ tốc độ là hết sức quan trọng để chuyến vận chuyển hàng hóa được an toàn.
Bên cạnh đó, còn một yếu tố cũng rất quan trọng đó là luôn lấy vạch kẻ đường và cọc tiêu bên đường làm chuẩn, để căn đường cho xe di chuyển. Hiện nay, trên đèo Khau Phạ vẫn còn một số đoạn không có cọc tiêu, hoặc rào chắn bên đường, vì vậy, lái xe phải rất cẩn thận, đặc biệt là những lái xe chưa thực sự thành thạo.
Đường lên Tây Bắc nhiều quanh co, khúc khửu thậm chí là hiểm nguy nhưng lại mang đến cho con người ta không khí trong lành, sự thư thái trong tâm hồn, hòa mình với thiên nhiên, đất trời trong không gian núi rừng bao la, rộng lớn. Hy vọng rằng, với những chia sẻ trên đây, các bạn lái xe gần xa khắp mọi miền Tổ quốc sẽ có thêm kiến thức, kinh nghiệm để chinh phục mọi nẻo đường. Chúc các bạn có những chuyến vận chuyển hàng hóa an toàn, hiệu quả, thượng lộ bình an./.
PR: Thùy Liên (Qua lời kể của lái xe Đinh Văn Tuấn)