Vantai24h – Ngày 29/02/2016 – Bắt đầu tuần mới với chuyến vận chuyển hàng hóa từ Mê Linh, Hà Nội đi Phúc Yên, Vĩnh Phúc qua quốc lộ 23, lái xe Hoàng Đình Dũng cẩn thận kiểm tra xe trước khi chuyển bánh để việc lưu thông trên đường được an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.
Tốc độ là yếu tố quan trọng quyết định mức độ an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế giao thông hiện nay có rất nhiều lái xe không chấp hành đúng luật quy định về tốc độ do họ chủ quan và quá tự tin vào tay lái của mình. Anh Dũng chia sẻ: “Lái xe với tốc độ cao sẽ rất dễ mất kiểm soát tay lái cũng như không kịp xử lý các tình huống bất ngờ. Nhưng an toàn cũng không có nghĩa là cho xe đi với tốc độ quá chậm. Nếu trên tuyến cao tốc có giới hạn tốc độ tối thiểu 60 km/h, tốc độ tối đa 80 km/h, có nghĩa rằng lái xe có thể chạy tốc độ 60 km/h là đúng quy định. Nhưng trên thực tế, so với các xe chạy với tốc độ tối đa 80 km/h thì đương nhiên là xe chạy 60 km/h sẽ chậm, lập tức các xe chạy phía sau sẽ nháy đèn xin vượt rất nhiều.
Mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa lái xe sẽ lựa chọn cho mình những lộ trình phù hợp với quãng đường đi ngắn nhất, tiêu tốn ít thời gian, lộ phí và mang lại hiệu quả cao. Theo đó, tùy thuộc vào từng cung đường cụ thể mà lái xe chọn cho mình tốc độ hợp lý. Bên cạnh những biển hạn chế tốc độ, ví dụ dưới 50 km trong thành phố và dưới 80 km đường ngoài đô thị, hay dưới 100 km đường cao tốc, lái xe nên di chuyển dưới tốc độ tối đa cho phép khoảng 5-7 km/h. Luôn kiểm soát tốc độ, đi đúng tốc độ quy định cũng sẽ tránh cho lái xe gặp phải những phiền phức khi tham gia giao thông, chẳng hạn như bị bắn tốc độ... Đối với những đường nhỏ đông đúc, xe di chuyển dưới 20 km/h là hợp lý, trong phố, chỉ di chuyển dưới 50 km/h, và trên đường ngoài thành phố, di chuyển dưới 80 km/h sẽ an toàn cho cả người và phương tiện.
Duy trì tốc độ vừa phải, an toàn đồng nghĩa với việc lái xe luôn đi đều ga, không thốc ga hay giảm tốc đột ngột. Khi thấy chướng ngại vật ở phía trước, một số lái xe hay chủ quan vì nghĩ là chướng ngại vật còn ở xa, không ngớt chân ga mà gần đến nơi mới bắt đầu giảm tốc. Kiểu lái xe như vậy rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nếu quan sát thấy tình huống có thể xảy ra nguy hiểm, như xe qua đường, người đi bộ sang đường …, hoặc thấy những xe đi phía trước đỏ đèn tức là lái xe đó đang sử dụng phanh, lúc này hãy nhả chân ga và đặt chân vào vị trí phanh, nhưng chưa cần đạp phanh, từ từ quan sát rồi mới có phương án xử lý. Động tác này sẽ khiến lái xe không bị cuống nếu tình huống nguy hiểm xảy ra, tránh đạp nhầm chân ga gây hậu quả nghiêm trọng.
Duy trì tốc độ ổn định sẽ giúp tài xế dễ dàng xử lý tình huống hơn trong khi vận chuyểnhàng hóa lưu thông trên đường. Tuyệt đối không sử dụng phanh đột ngột mà thực hiện giảm tốc từ xa vừa có lợi cho chính chiếc xe của mình, đồng thời cũng phát ra tín hiệu cho xe đi phía sau để họ chủ động giảm tốc, qua đó tránh những pha húc đuôi xe trong trường hợp phanh gấp.
Một điểm cần lưu ý mà Vantai24h muốn chia sẻ với anh em lái xe trong khi kiểm soát tốc độ đó là:
Kiểm tra lực bám: chính là kiểm tra lốp và lực ma sát giữa lốp với mặt đường. Thông thường, nếu cả lốp xe và mặt đường đạt tiêu chuẩn thì lực bám luôn đạt an toàn, tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển còn rất nhiều yếu tố khác tác động đến khiến mặt đường cũng như lốp xe không thể đảm bảo an toàn làm lốp mất khả năng bám đường như: mặt đường trơn, mặt đường nhiều đất cát, lốp mòn…
Thường xuyên kiểm tra lốp để đảm bảo an toàn là điều cần thiết
Kiểm tra lực quán tính: Lái xe có thể kiểm tra ngay trong quá trình xe di chuyển. Chú ý mỗi khi đạp phanh hay vào cua xem quán tính sẽ cố giữ xe tiếp tục đi thẳng, xe chạy càng nhanh, lực quán tính càng lớn. Dựa vào lực quán tính để biết lấy đà vừa đủ trước khi cho xe vào cua hay đạp phanh. Nhiều lái xe hay sử dụng lực quán tính này để vào cua, trước khi vào cua, lái xe sẽ đạp ga lấy đà, sau đó về số 0, để xe trôi theo quán tính đến khi hết khúc cua, khi thấy xe đã an toàn về đường thẳng, tiếp tục cài số chạy xe. Anh Dũng cho biết, làm như vậy sẽ rất an toàn, tránh trường hợp đạp nhầm chân ga.
Ngoài ra, lái xe cũng cần kiểm tra trọng lực, trọng tâm và tốc độ khi vào cua.
Trên đây là một vài chia sẻ của Vantai24h, tùy thuộc vào từng địa hình, điều kiện mà anh em ít nhiều có thể áp dụng nhằm trang bị, tích lũy thêm một vài kinh nghiệm cho bản thân mình trong quá trình vận chuyển, vận tải hàng hóa lưu thông trên đường, để mỗi chuyến hàng sẽ mang lại hiệu quả và giá trị lợi ích kinh tế cao nhất cho chính người lái xe cũng như các doanh nghiệp vận tải hàng hóa nói chung./.
PR: Thùy Liên