Vantai24h – Ngày 29/01/2016 – Trong điều kiện thời tiết bất thường và khắc nghiệt như hiện nay thì việc lái xe tự trang bị kỹ năng lái xe để ứng phó với các kiểu thời tiết là rất cần thiết. Đặc biệt là những tài xế xe tải thường xuyên vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh miền núi phía Bắc.
Một chuyến vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh miền núi Hà giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La…thường khó khăn vì địa hình đường đèo núi hiểm trở. Kể cả trong điều kiện thời tiết nắng ráo, thuận lợi thì cung đường đi vẫn rất nguy hiểm chưa kể là trong những ngày thời tiết bất thường như những ngày vừa qua. Nhiệt độ ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Điên…xuống rất thấp, có những nơi nhiệt độ xuống tới –4ºC, xuất hiện mưa tuyết gây cản trở giao thông.
Nhận được lệnh từ phía phòng điều hành xe, lái xe Thẩm Mạnh Hà sẽ vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội đi SaPa, Lào Cai. Qua đài, báo và mạng xã hội, anh Hà biết thời điểm đó ở Sapa thời tiết đã giảm xuống chỉ còn –4ºC, băng tuyết xuất hiện ngày càng nhiều khiến việc di chuyển rất khó khăn. Anh Hà đã chủ động tìm hiểu các kỹ năng lái xe trên đường băng tuyết để chuyến đi được an toàn. Anh Hà chia sẻ: “Từ bé đến lớn, mình chưa bao giờ được sờ vào tuyết, nay nhận được lệnh vận chuyển hàng hóa đi Sapa, Lào Cai mình hào hứng vô cùng. Tuy biết đường có tuyết rơi, phủ trên mặt đường sẽ rất trơn, tiềm ẩn nguy hiểm lớn nhưng mình vẫn muốn đi. Vừa để tập luyện tay lái, lấy thêm kinh nghiệm vừa để ngắm tuyết, một công mà đôi ba việc”.
Qua trải nghiệm thực tế, anh Hà đúc rút cho mình một vài kinh nghiệm đi trong băng tuyết như sau:
Điểm đầu tiên cần nhớ thật kỹ là phải kiểm tra lốp xe cẩn thận. Bất kỳ hiện tượng nào cho thấy lốp không đủ tiêu chuẩn như ban đầu thì đều cần phải thay thế lốp. Mòn lốp là hiện tượng thường thấy nhất, bằng mắt thường cũng có thể nhận ra bởi trên lốp luôn có nhiều rãnh, đây chính là yếu tố để xe bám đường thật tốt. Nếu trên lốp những rãnh này nông hoặc không còn thì chắc chắn thay lốp là việc tất yếu. Đồng thời, cũng nên xả bớt khí trong săm lốp ô-tô để diện tích tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường lớn hơn, có tác dụng chống trượt nhất định.
Cần kiểm tra, bảo dưỡng lốp thường xuyên và thay thế khi cần
Đèn pha chiếu sáng là điểm cần lưu ý thứ 2, nên để đèn pha ở chế độ chiếu gần cùng với đèn sương mù. Đèn sương mù phải có ánh sáng vàng để hỗ trợ lái xe tăng khả năng quan sát. Khi di chuyển, nên bật tất cả các loại đèn chiếu sáng có gắn trên xe, trong đó đèn pha giữ nguyên vị trí chiếu gần (cốt) còn đèn cảnh báo nguy hiểm (màu vàng) ở trạng thái nháy liên tục, nhằm báo hiệu cho các xe khác đang cùng lưu thông.
Khi có băng tuyết cũng giống như trời có mưa, đường sẽ trở nên trơn trượt, do vậy, tuyệt đối lái xe nên cho xe vận hành ở tốc độ vừa phải, luôn kiểm soát được tay lái và những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Đồng thời, giữ khoảng cách với các xe phía trước nhiều hơn gấp đôi so với thông thường. Tuyệt đối không nên bám đuôi xe khác ở cự ly gần bởi như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Điểm cuối cùng cần lưu ý với các lái xe, bởi đây là trường hợp anh Hà tận mắt chứng kiến đó là vì ngoài trời lạnh, lái xe đã đóng kín cửa và ngủ trong xe. Việc làm như vậy là rất nguy hiểm bởi người ngồi lâu trong xe sẽ bị thiếu không khí gây ngạt thở. Anh Hà kể, anh đã từng chứng kiến bạn anh lái xe, đóng kín cửa ngủ trong xe và khi anh Hà gọi bạn dậy, bạn anh ngồi dậy trong tình trạng thể trạng yếu ớt, môi thâm tím do thiếu oxy. Vậy nên anh em lái xe cần hết sức chú ý điểm này.
Qua lời chia sẻ của anh Hà, hy vọng rằng anh em lái xe sẽ tìm được những kiến thức bổ ích cho mình để chuyến vận chuyển hàng hóa được an toàn và hiệu quả./.
PR: Thùy Liên