Vantai24h – Ngày 13/01/2016 – Quốc lộ 13 nối thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước và cửa khẩu Hoa Lư là một trong nhiều tuyến đường thuộc diện cần nâng cấp, cải tạo vì bị xuống cấp nhiều. Trong thời gian chờ tuyến đường được nâng cấp toàn diện, lái xe cần trang bị cho mình một vài kinh nghiệm nhỏ để tránh gặp phải các sự cố ngoài ý muốn.
Anh Vũ Văn Phương, một trong những lái xe lâu năm và thường xuyên vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi Bình Phước cho biết, Quốc lộ 13 tại Bình Phước vào khoảng giữa năm 2015 vẫn xuất hiện rất nhiều ổ gà, ổ voi khiến giao thông thêm phần khó khăn. “Nói cho vui thì đúng như kiểu ngồi trên cabin mà cứ ngỡ mình ngồi trên lưng ngựa”, anh Phương vừa cười vừa nói. Nhưng đoạn vận chuyển hàng từ TP.HCM đi Bình Dương thì lại đẹp, giao thông thông suốt. Quốc lộ 13 chạy qua 3 huyện thuộc tỉnh Bình Dương là Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Bến Cát. Sau đó, sẽ chạy tới các huyện Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Phước, và cuối cùng là đến cửa khẩu Hoa Lư, kết thúc tuyến đường. Trong dịp Tết 2015, đoạn đường từ thị xã Bình Long đến huyện Lộc Ninh đã được trải thảm nhựa, sạch đẹp. Nhưng bắt đầu từ giữa năm 2015, đoạn đường này lại có dấu hiệu xuống cấp, giao thông khó khăn, đặc biệt là người đi xe đạp và xe gắn máy.
Trong thời gian chờ đoạn đường được khôi phục, theo anh Phương, các lái xe nên chủ động cập nhật thông tin về tuyến đường để trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng đi đường cần thiết. Sau đây, Vantai24h xin trích dẫn lại phần chia sẻ của anh Phương với các anh em lái xe khi đi trên các tuyến đường xấu như sau:
Điều này thì chắc chắn lái xe nào cũng biết, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại đó là anh em luôn nhớ phải mang theo dụng cụ cứu hộ. Túi đồ dụng cụ này sẽ là trợ thủ đắc lực bạn trong những tình huống cấp bách nhất có thể xảy ra khi lái xe trên những con đường có địa hình xấu. Dây cáp, bơm hoặc bình khí nén là những dụng cụ nên có. Dây cáp để kéo xe khi bị lầy, sụt hố… Trường hợp đi đường lắm sỏi đá, ổ voi thì cần kiểm tra chính xác độ căng của lốp cho phù hợp với từng loại địa hình. Cần chú ý thay đổi áp suất lốp xe ô tô cho phù hợp với địa hình đang đi. Khi di chuyển trên đường bùn lầy, đầy cát hay nhiều đá cuội, tốt nhất là nên giảm áp suất lốp. Việc này sẽ làm tăng diện tích tiếp xúc của lốp với mặt đường. Khi diện tích tiếp xúc càng lớn, độ bám đường của lốp sẽ càng tăng.
Khó khăn trên những cung đường đi
Xe tải là loại xe có gầm cao, và có thể dễ dàng vượt qua các chỗ lầy hơn những xe ô tô con có gầm thấp.
Tuy nhiên, lái xe cũng không được chủ quan, cần phải biết xe của mình có những khả năng gì và phần thấp nhất của xe nằm ở đâu. Nếu đi qua các hố, vũng lầy mà nghe thấy tiếng sột soạt phát ra khi đang lái xe, thì lái xe cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định liệu có nên cho xe đi tiếp hay lùi lại. Vi-sai thường là bộ phận thấp nhất dưới gầm xe và rất dễ bị va chạm, thậm chí là vỡ nếu gặp đá lớn trên đường khi đang di chuyển. Khi đi trên đường có ổ gà và nhiều đá, tốt nhất là giảm tốc độ và quan sát cẩn thận để tránh những tảng đá có thể làm hỏng gầm xe. Đôi khi phải lái xe một bánh lên trên đá để cải thiện độ cao gầm, tránh va chạm dưới gầm.
Hy vọng rằng, những chia sẻ của anh Phương phần nào sẽ giúp ích cho anh em lái xe gần xa, Bắc – Nam có thêm kinh nghiệm để lái xe an toàn, vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể./.
PR: Thùy Liên