Vantai24h – Ngày 20/10/2015 – Nhận được lệnh vận chuyển chuyến hàng từ Hà Nội đi Hà Tĩnh, anh Hoàng Văn Hùng nhanh chóng khởi động xe, bắt đầu một ngày làm việc. Đáp côn, vào số nhưng xe không nhúc nhích, anh Hùng kiểm tra thì thấy bánh xe sau bên phụ không chuyển động.
Thấy xe không nhúc nhích, anh Hùng liền gọi về văn phòng công ty, thông báo cho người quản lý xe biết về sự cố đang gặp phải. Anh Hùng cho biết thêm, anh vừa đưa xe đi rửa vào chiều hôm trước và thấy xe vẫn bình thường. Rửa xe xong, anh đưa xe về nhà để qua 1 đêm và sáng hôm sau thì thấy hiện tượng này. Qua những hiện tượng mà anh Hùng miêu tả, bộ phận quản lý xe đoán rằng xe của anh Hùng đã bị bó phanh. Phía công ty đã hỗ trợ anh Hùng khắc phục lỗi bằng cách hướng dẫn anh nổ máy, cài số tiến, sẽ thấy hiện tượng xe không thể tiến được và sẽ rùng rình, lúc này, lái xe lập tức cài số lùi để lùi xe. Anh Hùng thực hiện thao tác tiến xe, lùi xe vài lần là thấy bánh xe đã chuyển động được. Quá trình khắc phục sự cố này mất khoảng 5 phút. Sau khi sự cố được khắc phục, anh Hùng lại tiếp tục chuyến vận chuyển hàng hóa đi Hà Tĩnh của mình.
Qua chỉ dẫn của người quản lý, anh Hùng mới biết, hóa ra sự cố này là do anh đi rửa xe về, chưa để má phanh khô anh đã kéo phanh tay nên dẫn đến hiện tượng bó phanh. Nếu xe không thường xuyên bị bó phanh thì cũng không nhất thiết phải đưa đi sửa chữa. Bởi sự cố này cũng thường xảy ra và nhiều tài xế đã gặp phải. Nguyên nhân là do, trong quá trình xe vận hành, lái xe rất hay phải rà phanh. Mỗi lần rà phanh, má phanh sẽ sinh ra một thứ như là bột, thêm vào đó là các yếu tố tác động từ môi trường như bụi hoặc từ tăng bua… Những bột này thường nằm lại trong khoảng cách giữa má phanh với tang trống (hoặc mâm lato của phanh đĩa). Khi anh Hùng rửa xe sẽ làm cho nước lọt vào phanh, chất bột này hút nước tạo thành chất kết dính, làm dính má phanh với tang trống. Hoặc cũng có thể do sau khi rửa xe, anh Hùng chưa để má phanh khô đã vội kéo phanh tay, làm má phanh đang ướt bị ép chặt vào trống phanh, gây nên tình trạng mút chân không, dẫn đến bó phanh. Lúc này, lái xe phanh nhẹ cho khô má phanh trước khi đỗ xe, hoặc không kéo phanh tay khi phanh còn ướt. Để xe không bị trôi thì cách tốt nhất là cài vào số lùi, nếu chẳng may bị bó phanh thì lái xe có thể xử lý ngay bằng cách nổ máy, nhả côn, cho giật xe đến khi phanh nhả ra như cách anh Hùng đã thực hiện ở trên.
Trên đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp bó phanh mà nhiều lái xe gặp phải. Trường hợp như của anh Hùng cũng chỉ ở mức độ nhẹ và lái xe có thể tự khắc phục một cách đơn giản. Anh Hùng chia sẻ: “Thật là một kinh nghiệm quý báu. Nếu không xảy ra sự cố thì mình sẽ không bao giờ biết được những cách khắc phục lại đơn giản đến vậy. Mỗi lần gặp phải hỏng hóc là một lần mình học hỏi, tích lũy thêm một vài kinh nghiệm hữu ích cho bản thân. Đồng thời, tôi có thể chia sẻ với nhiều anh em lái xe khác, chúng tôi vừa trao đổi, vừa học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để có những chuyến đi an toàn nhất và hiệu quả cao nhất”./.