Vantai24h – Ngày 15/08/2015 – Để chinh phục quãng đường vận chuyển hàng hóa đường dài từ Hà Nội đến Vũng Tàu với khoảng cách gần 1800km về phía Nam, chiếc xe tải phải trải qua nhiều loại địa hình và bản thân người lái xe cũng được trải nghiệm qua nhiều ngày, từ đó đúc rút cho mình những kỹ năng lái xe cần thiết.
Phanh, côn, ga là 3 chức năng duy nhất trên xe được điều khiển bằng chân. Bài học cơ bản đầu tiên của một người lái xe là đạp côn, vào số cho thật thuần thục và nhuần nhuyễn. Chân côn ở vị trí bên trái nên dễ dàng sử dụng và phân biệt. Hai bộ phận ga và phanh nằm cùng phía bên phải, lại là hai chức năng đối lập nhau, chỉ một vài sơ xẩy, chân đạp nhầm ga hoặc phanh đều dẫn đến những sự cố ngoài tầm kiểm soát. Sử dụng phanh thế nào cho hiệu quả là một trong nhiều kỹ năng được người lái xe rất quan tâm tìm hiểu và trau dối kinh nghiệm qua các chuyến đi thực tế. Đây là thao tác quan trọng nhất nhằm tạo sự an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trong suốt cuộc hành trình.
Việc kiểm tra, bảo dưỡng xe định kỳ, thao tác kiểm tra hệ thống phanh trước mỗi chuyến đi, đặc biệt là các chuyến vận chuyển dài ngày là cần thiết và được tiến hành ở bên ngoài xe. Khi lên xe, trước khi nổ máy, cần kiểm tra chân phanh bằng cách đạp chân phanh nhiều lần, để xem có dấu hiệu nào khác thường hay không. Nếuhệ thống phanh hoạt động tốt thì chân phanh sẽ cứng lại và đứng yên, và ngược lại, nếu thấy hẫng khi đạp chân phanh thì có nghĩa hệ thống trợ lực chân không đang gặp vấn đề. Bên cạnh đó, người lái xe cần kiểm tra một lần nữa thông qua các tín hiệu đèn báo trên mặt táp lô. Thông thường hệ thống phanh sẽ có hai loại đèn báo, một loại với biểu tượng dấu chấm than, màu đỏ, đó là khi phanh tay chưa được hạ xuống hoặc hạ chưa hết, loại thứ hai là biểu tượng ABS hệ thống chống bó cứng phanh, sau một vài giây, nếu không có vấn đề gì, các đèn báo chỉ báo này sẽ tự tắt. Đó là lúc hệ thống phanh được kiểm tra một cách an toàn, và người lái xe có thể yên tâm bắt đầu khởi động máy cho một chuyến vận chuyển mới.
Chỉ cho xe xuất phát khi các bộ phận đều được kiểm tra kỹ càng
Thao tác đạp chân phanh tuy dễ thực hiện nhưng để được hiệu quả và an toàn lại không đơn giản. Cách tốt nhất để có được hiệu quả và an toàn đó là người lái xe luôn phải làm chủ được tốc độ của mình, kết hợp với tầm quan sát rộng, bao quát. Khi có chướng ngại vật, phải nhấc khỏi chân ga, đặt chân vào phanh rồi từ từ rà phanh. Không nên chủ quan, nghĩ rằng tay lái của mình chắc, kỹ năng tốt, phanh “ăn” mà khi thấy chướng ngại vật vẫn không thực hiện theo đúng trình tự thao tác. Khi xe đang ở tốc độ lớn, cần rà phanh từ từ, không đạp mạnh phanh. Đối với các trường hợp khẩn cấp, nên bình tĩnh, đạp phanh – nhả – đạp phanh nhiều lần, nếu chỉ đạp phanh 1 lần cũng sẽ không đạt hiệu quả.
Các tuyến đường xe phải leo đèo, núi, địa hình hiểm trở với nhiều khúc cua ngoằn nghèo, nhỏ, hẹp…khiến người lái xe liên tục phải sử dụng phanh. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống phanh nhanh chóng bị mòn, thậm chí bị cháy hỏng. Vì vậy, nhiều lái xe có kinh nghiệm đường trường đã nhấn mạnh rằng, khi cho xe leo núi bằng số nào thì cho xe đổ đèo bằng số đó, hạn chế tối đa sử dụng phanh. Hay khi vào cua, lái xe chỉ được rà phanh từ từ, tuyệt đối không phanh gấp dễ dẫn tới lật xe. Để xe có thể dừng lại theo ý muốn mà không bị chết máy, người điều khiển cần sử dụng nhịp nhàng cả hai chân côn và chân phanh, cắt côn đúng lúc, đúng thời điểm.
Trong quá trình lái xe, tài xế chỉ nên sử dụng phanh khi cần thiết. Mỗi bộ phận đều có một chức năng riêng, tất cả các yếu tố hợp lại với nhau tạo nên sự hoạt động mang giá trị lớn. Giữ gìn và sử dụng hệ thống phanh đúng cách vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa bảo vệ cho xe, đảm bảo an toàn cho người và xe trên những đoạn đường tiếp theo./.