Vantai24h – Ngày 27/06/2015 - Con đường từ thành phố Hà Giang đi huyện Quản Bạ khoảng 46 km đường núi. Chú Minh nói với tôi: “Bắt đầu từ đây, quãng đường đi của hai chú cháu sẽ nguy hiểm hơn đấy, bởi xe phải bò lên những đèo núi cao, dốc, với những khúc cua tay áo. Vì các cháu nhỏ Bát Đại Sơn, hai chú cháu cùng cố gắng nhé”.
Câu nói của chú như một nguồn lực động viên tinh thần tôi rất lớn. Tôi thầm nghĩ, với kinh nghiệm lái xe của chú, tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ chẳng có gì cản trở được chuyển đi này. Hai chú cháu lại tiếp tục hành trình, ngoài trời đã hết mưa, đường bắt đầu khô dần, đây là một lợi thế vô cùng lớn. Đi chừng 10 km, chú Minh hỏi tôi: Cháu có biết tại sao gọi là khúc cua tay áo không? Tôi trả lời: là nó hẹp như tay áo hả chú? Chú Minh nói: Đúng rồi, nó không những hẹp mà còn rất dốc, cháu thử cầm tay áo gập lại rồi đưa phần gấp lên cao, cháu sẽ hình dung ra được. Tôi hí hoáy làm theo lời chú nói, thật sự rất ngạc nhiên, nó như này hả chú, chú quay sang nhìn và thản nhiên đáp: “Đúng rồi cô cháu”. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ chắc chú chỉ nói hơi quá để mình chuẩn bị tinh thần thôi. Từ thành phố Hà Giang đi theo Quốc lộ 4C, vượt đèo Bắc Sum khoảng 45km là đến thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Qua xã Cán Tỷ, chạy dọc sông Miện, rẽ trái qua cầu 67, là đường đi tới xã Bát Đại Sơn. Bắt đầu từ đây, con đường đi lên xã càng lúc càng hiểm trở và khó đi.
Đường núi dốc, trơn, hiểm trở
Đi được quãng chừng 2km, chú Minh đã nói; “Kia rồi, cô cháu được thưởng thức khúc cua tay áo rồi nhé”. Đường cua hiện rõ trước mắt tôi, bởi khúc trên bị che nên nhìn phía dưới tôi thấy nó đúng là gập như tay áo, cũng thấy nó có vẻ nguy hiểm, nhưng ôi không, tôi không nghĩ nó lại nguy hiểm đến vậy, vừa cua xong thì trước mặt là một đoạn đường dốc, chú Minh phải rất cẩn thận điều khiển để bánh xe luôn nằm giữa con đường cua. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn của đôi tay, đôi chân và đôi mắt. Bởi nếu chỉ 1 khâu sai sót, bánh xe sẽ không đi theo đúng ý mình muốn. Trong cả quá trình đo tôi dường như nín thở. Qua được khúc cua ấy, lên được con đường an toàn, tôi vừa thở phào vừa thốt lên: Ôi thật nguy hiểm! Chú Minh mỉm cười, điềm tĩnh bảo tôi: Đây mới chỉ là bắt đầu thôi cô cháu ạ. Chặng đường hiểm trở hơn vẫn còn ở trên kia. Lúc này trời bắt đầu lác đác vài hạt mưa, cũng là lúc những khó khăn, nguy hiểm tới. Khi xe của chúng tôi bắt đầu vào cua thì cũng là lúc một xe con ngược chiều tới, vì bị “chém cua” – ngôn ngữ của các bác tài ám chỉ phía đường đi của mình bị một xe khác lấn đường khi đang vào cua. Chú Minh vội vàng đưa xe gọn vào 1 phía nhường cho xe con đi trước. Mọi chuyện bắt đầu ngoài tầm kiểm soát, khi chú Minh hạ phanh tay, xe bắt đầu có hiện tượng trôi, chú Minh cố ghì côn, phanh để xe dừng lại. Thật không may, khi xe dừng lại cũng là lúc bánh xe đã bị sa vào vũng lầy. Chú Minh cố hết sức nhưng bánh xe vẫn không thoát khỏi vũng lầy đó. Lúc này, hai chú cháu phải nhờ tới sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội biên phòng ở đây. Các thầy giáo ở trường tiểu học xã Bát Đại Sơn cũng tới cùng lực lượng bộ đội. Mọi người dốc hết sức để đưa xe ra khỏi vũng lầy. Phải đến 22 giờ, xe mới thoát khỏi nguy hiểm. Tới được điểm tập kết cũng là lúc gần 2 giờ sáng. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm, vậy là ngày mai, áo ấm, chăn ấm và các vật dụng khác sẽ được dành tặng cho các cháu nhỏ ở xã Bát Đại Sơn. Nhiệm vụ của hai chú cháu đã hoàn thành cùng với sự trải nghiệm vô cùng thực tế và bài học kinh nghiệm quý báu.
Xe tải vận chuyển hàng từ thiện đến điểm tập kết lúc 1 giờ sáng
Sau 1 ngày nghỉ ngơi, hai chú cháu lại tiếp tục lên đường trở về Hà Nội, phía sau màn sương mù, là bầu trời cao xanh ngắt, những tia nắng đẹp sấy khô đường, một thuận lợi lớn cho hai chú cháu trở về nhà. 15h chiều, xe về tới Hà Nội, kết thúc chuyến hành trình trải nghiệm thực tế đầy cảm xúc đan xen nhưng cũng không kém phần thú vị. Chú Minh nói: “Nghề lái xe nguy hiểm hơn mọi người nghĩ, mỗi nghề có một nét đặc trưng riêng, thú vị riêng và khó khăn riêng. Người làm nghề lái xe vừa là thợ cũng vừa là một nghệ sĩ, điều cốt yếu vẫn là vận dụng sự khéo léo giữa trí – mắt – tay – chân để mỗi chuyến đi được an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất./.
(Hết phần 2)
PR: Thùy Liên