Vantai24h- Ngày 8/11/2016- Gấp rút đầu tư một tuyến cao tốc để đảm đương được nhu cầu vận tải Bắc-Nam trong khoảng 5-10 năm tới.
Tuyến QL1 vừa hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng nhưng do lưu lượng phương tiện tăng nhanh nên chỉ một thời gian ngắn tại nhiều đoạn tuyến đã có dấu hiệu quá tải, trong khi đường Hồ Chí Minh chỉ là phương án dự phòng cho QL1. Vì thế, nếu tuyến cao tốc Bắc - Nam không được đầu tư để hoàn thiện thì trong tương lai không xa QL1 sẽ quá tải trầm trọng. Đầu tư làm đường cao tốc Bắc- Nam lúc này là việc làm cấp thiết.
Theo số liệu thống kê của Cục QLĐB II (Tổng cục Đường bộ VN) tại lý trình Km 299+260 (QL1 qua thị trấn Hà Trung, Thanh Hóa) theo hướng Bắc - Nam từ ngày 5 - 7/10, bình quân có tới 18.334 xe ô tô ngày đêm lưu thông, so với cùng kỳ năm 2015, tăng hơn 1 nghìn xe.
Tuyến vận tải Bắc - Nam, đến nay, QL1 và đường Hồ Chí Minh đã được nâng cấp, đưa vào khai thác góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Tuy nhiên, đường Hồ Chí Minh chủ yếu phục vụ mục đích an ninh - quốc phòng, là phương án dự phòng khi có thiên tai, lũ lụt tại khu vực miền Trung nên QL1 vẫn phải gánh phần lớn nhu cầu vận tải tuyến huyết mạch Bắc - Nam. Thực tế, tuyến đường này cũng không thể nâng cấp mở rộng thêm nữa.
Vì vậy, việc đầu tư các tuyến cao tốc là bước đi rất đúng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với chiến lược và các quy hoạch chuyên ngành GTVT được Thủ tướng phê duyệt. Với đặc điểm địa hình Việt Nam dài và hẹp, việc ưu tiên đầu tư đường sắt và đường bộ cao tốc hoàn toàn phù hợp, nhưng đầu tư cho đường sắt suất đầu tư cao, đòi hỏi phải đồng bộ toàn tuyến mới đem lại hiệu quả, còn đường bộ cao tốc đầu tư theo từng đoạn tuyến, khai thác được ngay, đem lại hiệu quả sớm.
Nguồn:bgt.vn