Vantai24h – Ngày 15/03/2015 - Để siết chặt hoạt động vận tải cũng như tải trọng phương tiện, tháng 5/2014, tỉnh Đắk Lắk đã đưa Trạm cân số 53 vào hoạt động, sau hơn nửa năm triển khai, đến nay, tình hình phương tiện chở quá tải trọng đã giảm rõ rệt, bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực từ hoạt động này.
Tiếp xúc với nhiều lái xe, DN vận tải ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay, tất cả nhận thức rõ: chở hàng quá tải sẽ bị phạt và tước giấy phép lái xe. Từ việc các cơ quan kiểm soát chặt xe quá tải, hiện nay rất nhiều chủ xe đã đóng lại thùng xe theo đúng quy cách và tải trọng cho phép. Anh Nguyễn Anh Hùng, ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), lái xe chạy tuyến Đắk Lắk - TP Hồ Chí Minh bộc bạch, trước đây với chiếc xe tám tấn, tôi đã cơi nới thùng xe và có thể chở đến hơn 20 tấn. Nhưng đến nay, địa phương nào cũng đặt trạm cân, buộc tài xế phải chở đúng tải hoặc tạm ngừng chạy, vì nếu bị phát hiện, ngoài việc bị phạt vì quá tải còn bị tạm giữ bằng lái 30 ngày.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt tải trọng xe đã đưa giá cước vận tải hàng hóa về giá trị đích thực, các doanh nghiệp không thể ngồi yên để kêu khó mà phải thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp. Ở Đắk Lắk, giá cước vận tải đã và đang tăng 60 đến 100%. Mức tăng giá cước vận tải lần này tác động trực tiếp đến các DN sản xuất và người tiêu dùng. Lãnh đạo Công ty TNHH Cà phê Nam Nguyệt (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho hay, để xuất hàng đi TP Hồ Chí Minh, hiện nay công ty phải trả thêm 300 đồng/kg để bù chi phí cho các đơn vị vận tải. Khi Nhà nước kiểm tra chặt xe quá tải, các đơn vị vận tải buộc phải tăng giá cước, điều đó tác động tới sản xuất, kinh doanh và túi tiền của người tiêu dùng.
Có thể khẳng định, việc triển khai kiểm soát trọng tải phương tiện đã và đang mang lại hiệu ứng tích cực, qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước, các DN vận tải, chủ hàng, lái xe nhận thức được chủ trương đúng đắn, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông tại các địa phương./.
Nguồn: nhandan.com.vn