Với mục tiêu giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, hạn chế những thiệt hại về người và của, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân, dự án này đã triển khai toàn diện 4 hợp phần. Bao gồm kỹ thuật cải tạo công trình ATGT, tuyên truyền nâng cao nhận thức ATGT cho người dân, giáo dục ATGT trong trường học và cưỡng chế thi hành luật.
Vận Tải 24h - 24/04/2013
Dự án "Tăng cường ATGT trên các quốc lộ ở phía Bắc Việt Nam", hợp phần "Nâng cao nhận thức" đang được triển khai đồng loạt tại 10 tỉnh, thành phố, nơi có các quốc lộ 3, 5, 10 và 18 đi qua.
Dự án này gồm 18 khoá tập huấn cho 900 học viên là lãnh đạo, cán bộ chuyên trách về an toàn giao thông (ATGT), những nội dung chủ đề thiết yếu và kỹ năng tuyên truyền về ATGT, cung cấp cho 10 tỉnh, thành phố thuộc dự án ôtô tuyên truyền ATGT. Bên cạnh đó, dự án cung cấp tài liệu tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATGT đường bộ cho lãnh đạo, điều phối viên ATGT, thiết bị, tài liệu theo xe tuyên truyền ATGT và dụng cụ trợ giảng, thực hiện tuần ATGT tại 10 tỉnh.
Ngoài ra, dự án liên tục thực hiện các buổi tuyên truyền tại hiện trường trong vòng 15 tháng, thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATGT cho người dân trên báo viết, truyền hình, phát thanh, báo mạng tại 10 tỉnh thành và một số báo lớn của trung ương.
Buổi tuyên truyền tại hiện trường Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường An toàn giao thông trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam, Hợp phần Nâng cao nhận thức tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
Với mục tiêu giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, hạn chế những thiệt hại về người và của, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân, dự án này đã triển khai toàn diện 4 hợp phần. Bao gồm kỹ thuật cải tạo công trình ATGT, tuyên truyền nâng cao nhận thức ATGT cho người dân, giáo dục ATGT trong trường học và cưỡng chế thi hành luật.
Hợp phần "Nâng cao nhận thức" nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và kiến thức về ATGT cho người dân sống dọc 4 quốc lộ thuộc dự án và người tham gia giao thông trên các quốc lộ này, thông qua các chương trình tuyên truyền về ATGT. Đến nay, hợp phần cơ bản đã hoàn thành bằng những hoạt động tổng hợp từ tuyên truyền trực tiếp, mở đầu bằng tuần ATGT, sau đó là các buổi tuyên truyền tại hiện trường dọc quốc lộ, đến các khóa tập huấn tuyên truyền cho lãnh đạo địa phương và các chương trình truyền triển khai trên báo chí.
Dự án đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, nâng cao nhận thức của người dân sống dọc các quốc lộ này nói riêng và trên địa bàn nói chung. Qua đó người dân được phổ biến và hướng dẫn các quy tắc giao thông đường bộ, phát triển văn hóa giao thông, đi và qua đường an toàn, ATGT vào ban đêm, rượu bia và ATGT. Ngoài ra, người dân còn được sử dụng thiết bị, công trình ATGT, đưa tin cập nhật ảnh hưởng của các sự kiện, hoạt động tuyên truyền trong các tuần ATGT và chiến dịch tuyên truyền tại hiện trường.
Theo khảo sát của tư vấn dự án, có trên 30.204 lượt người tham dự tuần ATGT. Sau tuần ATGT, có 79,5% người dân nắm được các quy định pháp luật và các quy tắc giao thông đường bộ cơ bản, 84,55% người dân có ý thức và nhận thức về ATGT, 87,33% người dân có ý thức và nhận thức về văn hóa giao thông, 83,75% người dân biết về các hoạt động trong tuần ATGT.
Toàn bộ các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi dự án đã hoàn thành các hoạt động của chiến dịch tuyên truyền tại hiện trường. Đến nay, sau 15 tháng kể từ tháng 11/2011, 10 tỉnh và thành phố đã tuyên truyền được trên 900 đợt. Trong số đó có khoảng trên 400 đợt tuyên truyền tại các khu đông dân cư, trên 80 đợt tuyên truyền trong các trường học và khoảng 400 đợt tuyên truyền dọc các tuyến quốc lộ, tại các điểm đen và tại các điểm có công trình ATGT.
Tổng số người tham dự các cuộc tuyên truyền trong toàn bộ chiến dịch là trên 200 nghìn lượt người. Từ những hình thức tuyên truyền được tập huấn như tuyên truyền trực tiếp, bằng trực quan sinh động qua trưng bày tại điểm tuyên truyền, theo các chuyên đề, các điều phối viên dự án đã mở rộng hình thức tuyên truyền qua các vở kịch, tiểu phẩm, thi đố vui, ca nhạc, tổ chức giao lưu, đối thoại hay diễn hành...
Đặc biệt, việc phối hợp đa dạng các hình thức vừa giảng dạy, tuyên truyền, trưng bày ảnh, vừa hướng dẫn, nhắc nhở những vi phạm mà học sinh hoặc người tham gia giao thông thường mắc phải. Tất cả hoạt động này nhằm kịp thời điều chỉnh, sửa chữa được nhiều địa phương sử dụng và mang lại những hiệu quả đáng kể.
Theo ông Lưu Xuân Bình, Phó chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội, chính nhờ có dự án tăng cường ATGT trên các quốc lộ phía bắc Việt Nam mà ban ATGT đã có nhiều biện pháp, cải tiến cũng như đổi mới các hình thức tuyên truyền. Trong đó phải kể đến nội dung tuyên truyền, tài liệu và các thiết bị phục vụ tuyên truyền.
Hà Nội có 2 tuyến quốc lộ 3 và 5 chạy qua 2 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, 2 quận Long Biên, Gia Lâm được hưởng thụ lợi ích từ dự án. Thực hiện dự án này, Ban ATGT Hà Nội đã triển khai tập trung vào hai nội dung chính, gồm tuyên truyền luật giao thông đường bộ, văn hoá giao thông cho cán bộ nhân dân sống ven các trục quốc lộ.
Để phục vụ các buổi tuyên truyền, ban ATGT thành phố huy động thêm cán bộ, nhân viên văn phòng tham gia phục vụ trong các buổi tuyên truyền đạt hiệu quả như xây dựng các tiểu phẩm, các tình huống tham gia giao thông đảm bảo an toàn và xây dựng nếp sống văn hoá khi tham gia giao thông. Ban ATGT thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền rộng khắp trên toàn thành phố.
Năm 2012 và 3 tháng đầu năm nay, Hà Nội giảm tỷ lệ tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí. Ông Bình cho biết, năm 2013 và những năm tới, ban ATGT TP Hà Nội sẽ tiếp tục sử dụng tài liệu và thiết bị để phục vụ công tác tuyên truyền ATGT trên địa bàn thủ đô.
10 tỉnh, thành phố triển khai dự án này gồm Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Bắc Ninh.
Theo: Vnexpress