Quyết tâm cao kiểm soát tải trọng xe vận tải, đó là tín hiệu dễ nhận thấy ở đợt ra quân lần này của Bộ GTVT và Bộ Công an. “Gậy” pháp lý đã chắc trong tay thể hiện từ Quyết định 1502 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đến Chỉ thị 95 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tải trọng xe... để Bộ GTVT và Bộ Công an thực thi.
Vận Tải 24h - 02/04/2013
Thông tin này được Tổng cục Đường bộ đưa ra tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ sáng 21.3. Cụ thể, từ 1.4 Tổng cục Đường bộ (TCĐB) và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (TCCSQLHCXH) sẽ thí điểm kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 5 và quốc lộ 10 bằng hai trạm cân tải trọng xe di động.
Đây là động thái kiên quyết kiểm soát tải trọng để giữ cấp đường bộ và giảm thiểu TNGT.
Xe quá tải sẽ không thoát?
Quyết tâm cao kiểm soát tải trọng xe vận tải, đó là tín hiệu dễ nhận thấy ở đợt ra quân lần này của Bộ GTVT và Bộ Công an. “Gậy” pháp lý đã chắc trong tay thể hiện từ Quyết định 1502 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đến Chỉ thị 95 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tải trọng xe... để Bộ GTVT và Bộ Công an thực thi. Cụ thể tới đây, TCĐB sẽ lập 11 trạm cân cố định và 67 trạm cân di động trên toàn quốc để kiên quyết thực hiện bằng được việc kiểm soát tải trọng xe nhằm giữ đường, giảm thiểu TNGT.
Trước tiên (ngày 1.4 tới), TCĐB và TCCSQLHCXH sẽ thí điểm kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 5 và quốc lộ 10 bằng hai trạm cân tải trọng xe di động. Lý giải về việc sẽ đưa các trạm cân di động đi trước một bước, đại diện TCĐBVN cho biết: Các trạm di động có thể triển khai ngay, trong khi trạm cố định chưa đủ điều kiện về địa điểm vì phải làm các thủ tục giao đất, xây dựng hệ thống nhà cân, nhà kho dỡ tải... sẽ mất thời gian cũng như kinh phí đầu tư nhiều hơn. Mặt khác, bắt đầu xuất hiện việc xe quá tải né hai trạm cân cố định đang thí điểm ở Quảng Ninh và Đồng Nai bằng cách đi vòng qua các tỉnh lộ, vì thế các trạm cân di động có thể di chuyển địa điểm kiểm soát một cách bất ngờ sẽ ngăn chặn kịp thời hiện tượng né trạm này, nhằm đạt hiệu quả kiểm soát tải trọng cao.
Băn khoăn
Tuy nhiên, việc dư luận băn khoăn nhất hiện nay là tình trạng dễ phát sinh tiêu cực tại các trạm cân. Tại trạm cân Dầu Giây, trong vòng vài năm hoạt động đã có tới hơn 1.700 vụ tiêu cực bị lập biên bản vi phạm, nhiều CBNV trạm cân phải dính vòng lao lý; song đại diện TCĐB cho biết: Trạm cân di động thuộc thế hệ mới nhất của Châu Âu đã được triển khai tại 104 nước. Việc kiểm soát kết quả chủ yếu là do máy móc, hạn chế tới mức thấp nhất sự can thiệp của con người để tránh tiêu cực. Đồng thời, TCĐB và TCCSQLHCXH cũng đang xây dựng dự thảo quy định về kiểm soát hoạt động của lực lượng thực thi trạm cân để ngăn chặn tiêu cực, đồng thời giáo dục tuyên truyền CBNV trạm cân tuân thủ pháp luật.
Vấn đề giảm tải đối với trạm cân di động cũng đang là một câu hỏi, bởi nếu không có cơ sở để dỡ tải kịp thời có thể gây cảnh ùn tắc dòng hàng tạm thời, sẽ gây thiệt hại cho các DN vận tải nói riêng và tài sản xã hội nói chung. Về điểm này, đại diện TCĐB cũng cho biết, sẽ nghiên cứu tìm các địa điểm dỡ tải gần vị trí đặt trạm cân và tổ chức dịch vụ dỡ tải có quy định về giá để tránh DN vận tải bị bắt chẹt. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình huống giúp các DN vận tải trong những ngày đầu. Còn về lâu dài, trách nhiệm của các DN vận tải là phải chở đúng tải trọng, không nên vi phạm để tránh rơi vào cảnh thiệt đơn thiệt kép.
Theo: Laodong