Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII (khai mạc hôm nay 19.3), các đại biểu sẽ cho ý kiến về Dự thảo nghị quyết quy định mức thu phí SDĐB đối với mô tô trên địa bàn tỉnh và tỷ lệ trích để lại cho UBND xã, phường, thị trấn mà UBND tỉnh đã trình nhằm quyết nghị, thông qua.
Vận tải 24h - 20/03/2013
Thu với mức thấp nhất
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII (khai mạc hôm nay 19.3), các đại biểu sẽ cho ý kiến về Dự thảo nghị quyết quy định mức thu phí SDĐB đối với mô tô trên địa bàn tỉnh và tỷ lệ trích để lại cho UBND xã, phường, thị trấn mà UBND tỉnh đã trình nhằm quyết nghị, thông qua. Quy định này dựa trên Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí SDĐB theo đầu phương tiện; Thông tư liên tịch số 230/2012/TTLT-BTC-BGTVT của liên Bộ Tài chính - GTVT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ; Quyết định số 2643/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt đề án Nâng cao hiệu quả quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Theo Dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp HĐND tỉnh khóa VIII, mô tô có dung tích xy lanh đến 100cm3 nộp phí SDĐB 50 nghìn đồng/năm (Thông tư số 197 của Bộ Tài chính quy định 50 - 100 nghìn đồng/năm), trên 100 cm3 nộp 100 nghìn đồng/năm (Thông tư quy định 100 - 150 nghìn đồng/năm), xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xy lanh 2,16 triệu đồng/năm. UBND tỉnh dự kiến số phí thu còn lại (sau khi trừ khoản phí trích lại để phục vụ thu) cùng với nguồn quỹ trung ương cấp 35% theo quy định và ngân sách địa phương phân bổ hàng năm để bảo trì, sửa chữa lớn, nâng cấp tuyến ĐT, ĐH và ĐX.
Quảng Nam hiện có trên 500 nghìn mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (gọi chung là mô tô) đang sử dụng để lưu thông. Theo ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở GTVT, kinh phí hàng năm từ ngân sách tỉnh mới đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu bảo trì 430,9km đường tỉnh (ĐT); còn 1.482,7km đường huyện (ĐH) và đường đô thị, 6.923,3km đường xã (ĐX) chưa có kinh phí duy tu, bảo trì thường xuyên. Vì vậy, thu phí SDĐB sẽ dùng vào mục đích duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường nói trên nhằm đảm bảo nhân dân lưu thông được thuận tiện, an toàn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm từ cộng đồng trong việc đóng góp kinh phí bảo trì đường sá.
Theo phương án do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, người nộp phí là tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý mô tô (gọi chung là chủ phương tiện). Do thu nhập của người dân trong tỉnh còn thấp, đời sống khó khăn, UBND tỉnh dự kiến mức thu bằng mức tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC, qua đó tạo điều kiện cho chủ phương tiện nộp phí đúng và phù hợp khả năng của mình. Bên cạnh mô tô của lực lượng công an, quốc phòng, chủ phương tiện thuộc diện hộ nghèo cũng sẽ được miễn phí SDĐB. Riêng việc trích cho địa phương thực hiện thu, nộp phí, UBND tỉnh dự kiến để lại bằng mức tối đa theo quy định tại thông tư trên (các xã 20%; phường, thị trấn 10% trên tổng phí thu được).
Cần minh bạch, hợp lý
Đồng tình với chủ trương của Nhà nước, anh Dũng đang hành nghề xe thồ tại TP.Tam Kỳ cho rằng, công dân phải có trách nhiệm đóng góp cùng với chính quyền sửa chữa đường sá mà mình sử dụng hàng ngày. Nhưng trước khi thực thi nhiệm vụ, cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân nắm bắt, hiểu để thực hiện nghiêm túc.
Trao đổi về việc triển khai thu phí SDĐB đối với mô tô, một giảng viên của trường Đại học Quảng Nam tâm sự, làm như vậy để đầu tư tu bổ các tuyến đường vì lợi ích dân sinh, lợi ích cộng đồng thì rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề thu, chi phải minh bạch, rạch ròi và có chứng từ hẳn hoi, nhất là từ cơ sở. Là cơ quan được giao nhiệm vụ thu phí, UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) khi chỉ đạo thôn, tổ dân phố hướng dẫn chủ phương tiện kê khai, nộp phí trên địa bàn cần phải quán triệt triển khai thực hiện một cách trung thực, khách quan. Còn một cán bộ lão thành thì thẳng thắn góp ý, nếu miễn phí SDĐB cho hộ nghèo thì tại sao chúng ta lại không áp dụng đối với mô tô chuyên dùng của người khuyết tật? Họ cũng gặp khó khăn trong mưu sinh, nhiều người đang phải trang trải cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước.
Ý kiến góp ý và trăn trở kể trên của người dân là xác đáng, bởi thực tế thời gian qua xảy ra tình trạng vì nể nang, ngại va chạm nên người có trách nhiệm ở thôn, tổ dân phố thường làm qua loa, chiếu lệ. Nếu điều này lặp lại, con số kiểm kê thiếu chính xác thì nguồn thu phí tại cơ sở không những sẽ bị thất thoát mà còn dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các hộ dân.
Theo: Baoquangnam