Khu trung tâm TP sẽ được chia thành 5 phân khu, với các chức năng khác nhau, tổng diện tích khoảng 92,3ha. Đáng chú ý là trong quy hoạch phát triển khu trung tâm, TP sẽ tiến tới hạn chế giao thông cá nhân, chỉ cho phép các phương tiện VTHKCC hoạt động.
Vantai24h - 04/02/2012
TP.HCM sẽ có nhiều thay đổi theo hướng phát triển hiện đại hơn. Sẽ có khu vực hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển VTHKCC, tăng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông, mảng xanh, công viên… Đó là những điều đáng quan tâm trong đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung tâm TP tỷ lệ 1/2000 vừa được UBND TP.HCM thông qua.
Phát triển giao thông công cộng
Theo quy hoạch, Khu Trung tâm TP.HCM (bao gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh). Ranh giới bao gồm phía Bắc: giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè; phía Tây giáp đường Đinh Tiên Hoàng - đường Võ Thị Sáu - đường Cách Mạng Tháng Tám; phía Nam giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Vĩnh Phước - Hoàng Diệu và đường Nguyễn Tất Thành; phía Đông giáp sông Sài Gòn.
Cầu vượt thép, ngã tư Hàng Xanh mới khánh thành trước Tết 2013. Ảnh: Vĩnh Phú.
Khu trung tâm TP sẽ được chia thành 5 phân khu, với các chức năng khác nhau, tổng diện tích khoảng 92,3ha. Đáng chú ý là trong quy hoạch phát triển khu trung tâm, TP sẽ tiến tới hạn chế giao thông cá nhân, chỉ cho phép các phương tiện VTHKCC hoạt động. Loại hình vận tải đường sắt nội đô khối lượng lớn (UMRT) và xe buýt nhanh (BRT) được xem là những phương tiện vận tải công cộng chính tại khu trực này.
Trong phân khu 1 sẽ có 7 nhà ga UMRT ngầm, trong đó ga Bến Thành là điểm gặp nhau của các tuyến số 1, 2, 3A và 4. Tuyến BRT được bố trí trên đường Hàm Nghi, chạy từ khu bờ Tây sông Sài Gòn thuộc quận 4. Ba tuyến UMRT đi dưới đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, CMTT sẽ được xây dựng ở phân khu 2. Phân khu 3 sẽ có hai nhà ga UMRT được quy hoạch cho tuyến số 1 và số 5.
Tuy nhiên, do các tuyến UMRT không phủ kín được toàn bộ Phân khu 3 nên tuyến vận tải đường sắt hạng nhẹ (LRT) và BRT được đề xuất cho những nơi mà tuyến UMRT không đi tới. Phân khu 4, sẽ có các tuyến UMRT 2, 3, và 4. Tuyến số 2 và số 3 sẽ lần lượt chạy dưới đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Thị Minh Khai. Tuyến số 4 sẽ đi dưới đường Hai Bà Trưng. Nhà ga UMRT Bến Thành nằm ở phía Bắc của Phân khu 5 tương lai sẽ là một đầu mới giao thông rất lớn tính đến cả nhà ga xe buýt và cả UMRT.
Hình thành các phố đi bộ
Đáng chú ý là trong quy hoạch khu trung tâm sẽ hướng đến việc hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, hình thành các khu phố đi bộ. Chẳng hạn như tuyến đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ sẽ thành các phố buôn bán bộ hành, từng bước hạn chế xe hơi và xe gắn máy, cho phép phương tiện công cộng phục vụ giao thông chuyển tiếp và người đi bộ. Vòng xoay trước chợ Bến Thành cũng được chuyển đổi thành khu đi bộ. Tuyến đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Hàm Nghi đến Công trường Mê Linh) sẽ chuyển giao thông cơ giới xuống đường ngầm và dành không gian trên mặt đất cho đi bộ. Hầu hết các tuyến đường nội khu sẽ có đủ vỉa hè cho người đi bộ.
Khu trung tâm TP sẽ hạn chế xe cá nhân và hình thành các phố đi bộ
Khu trung tâm TP sẽ hạn chế xe cá nhân và hình thành các phố đi bộ
Hệ thống giao thông đi bộ cũng sẽ được hình thành liên tục dọc theo đường Tôn Đức Thắng, kết nối với Thủ Thiêm, có cầu đi bộ kết nối Cột cờ Thủ Ngữ và Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tương tự Khu Trung tâm Văn hóa - Lịch sử ở phân khu 4 được hình thành từ các ô phố theo dạng bàn cờ. Đường Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân tiếp giáp với Trường đại học Quốc gia sẽ được định hướng dành cho người đi bộ do trên cả hai tuyến đường này có nhiều loại hình cửa hiệu, nhà hàng đa dạng. Đường Phó Đức Chính ở phân khu 5 có Bảo tàng mỹ thuật và nhiều cửa hiệu sẽ được định hướng bố trí thành phố đi bộ để thu hút du khách.
Theo:giaothongvantai.com.vn