Vantai24h - Ngày 4/9/2017, Báo Dân Việt đưa tin, nguyên nhân nứt đường dẫn lên cầu vượt ở Hải Phòng được cơ quan chức năng đánh giá là do thời tiết. Tuy nhiên, chuyên gia về xây dựng cho rằng phải nhìn cả vào “nhân tai”, đừng chỉ đổ tại thời tiết.
Theo thông tin, cầu vượt Đình Vũ – Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa được đưa vào khai thác nhưng đã xuất hiện vết nứt ở đường dẫn lên cầu. Theo báo cáo của Sở GTVT Hải Phòng, vết nứt nằm trên đường dẫn hai đầu cầu, đoạn vuốt nối từ tuyến đường cũ lên cầu, có chiều dài 15-30m, chiều rộng vết nứt từ 2-10mm. Nguyên nhân nứt dọc đường dẫn lên cầu vượt Đình Vũ - Nguyễn Bỉnh Khiêm được các cơ quan chức năng cho rằng: Trong quá trình thi công đường dẫn 2 bên cầu gặp phải thời tiết bất lợi.
Cụ thể, mưa và bão nhiều, kết hợp với thủy triều (vì cầu sát hệ thống sông, biển cảng Đình Vũ), khi thi công hệ thống cống thoát nước 2 bên, cộng với việc đào móng sâu 4m, dẫn đến khi hút nước để thi công đã làm thay đổi điều kiện địa chất đã làm sụt lún bề mặt đường dẫn, gây nứt.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho rằng: “Trong thi công cầu đường, trước khi làm đã phải dự báo đến vấn đề thời tiết. Bây giờ xảy ra chuyện lại đổ nguyên nhân chính do thời tiết hay nhiệt độ là không nên, phải nhìn vào cả nhân tai”.
Theo PGS Nguyễn Văn Hùng, qua hình ảnh ghi lại trên đường dẫn cầu vượt Đình Vũ – Nguyễn Bỉnh Khiêm, vết nứt dọc xảy ra có thể do hai bên taluy không xử lý đất tốt. “Các vết nứt dọc xuất hiện trên đường dẫn phần lớn do nền đất đắp. Nền đất không tốt có thể do thời tiết nhưng cũng có thể do thi công, sẽ tạo sụt lún ảnh hưởng đến đường”, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng nhận định. Thông thường, trước khi thi công các vấn đề thời tiết đã được dự báo sẽ ảnh hưởng như thế nào, vì vậy theo ông Hùng “nếu thi công tốt thì thời tiết cũng đâu có ảnh hưởng”.
Về hướng xử lý, ông Lê Văn Bình – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) - cho rằng, qua kiểm tra, khảo sát các hạng mục cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm – Đình Vũ đã thi công xong bảo đảm đúng thiết kế. Các vết nứt ở đường dẫn không ảnh hưởng tới chất lượng phần cầu. “Giải pháp tốt nhất phải khẩn trương thi công phần cống thoát nước, đường gom 2 bên, sau đó mới xử lý nền đường”, ông Bình nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đề xuất phải xử lý lại hai bên taluy để chống trượt thành hai mảng, chống nở hông nền đường.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã yêu cầu Sở GTVT, nhà thầu, giám sát, tư vấn và các đơn vị liên quan cần tiếp tục theo dõi vết lún, nứt, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, kiểm tra và đánh giá tổng thể nguyên nhân, nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng rạn nứt.
Theo danviet.vn