Vantai24h - Mới đây, Báo Kinh tế đô thị đã có bài phản ánh khá sâu về nhiều dự án BOT giao thông với tiêu đề “Quả bóng trách nhiệm đá đến đâu?”. Vantai24h xin chia sẻ bài viết này với đối tác, khách hàng và đồng nghiệp. Nội dung bài viết đó như sau:
Các chuyên gia nhìn nhận, bản thân mô hình BOT (hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao) bản thân không có lỗi; nếu được làm bài bản, minh bạch, nó sẽ là quả ngọt của hạ tầng giao thông. Nhưng chính sự tham lam của DN, sự yếu kém của nhà quản lý đã biến nó thành một quả bóng trách nhiệm mà ai cũng muốn đá ra xa mình.
Mất lòng tin
Từ năm 2016, trên địa bàn cả nước đã bắt đầu dấy lên làn sóng phản ứng các trạm BOT khá dữ dội. Nguyên do cũng bởi một số trạm thu phí BOT đang được Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương cho phép “đặt nhầm chỗ”, dồn người dân vào thế “không có lối thoát”. Và, những sự việc như ở trạm thu phí Bến Thủy, cầu Việt Trì, Cai Lậy… là những giọt nước tràn ly. Đánh giá thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến BOT trở nên phản cảm với người dân và bị phản đối mạnh mẽ bởi nó thật “đáng ngờ”.
Trạm thu phí Quốc lộ 6 Xuân Mai - Hòa Bình hoàn vốn cho Dự án đặt tại thị trấn Lương Sơn từ khi đi vào hoạt động từ ngày 20/10/2015 đã nhiều lần bị người dân phản đối vì mức thu phí quá cao
Theo Thanh tra Chính phủ, tính đến tháng 9/2015, Bộ GTVT đã triển khai 78 dự án giao thông theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), BOT với chiều dài khoảng 2.200km, tổng mức đầu tư gần 219.000 tỷ đồng, trong đó trên 202.000 tỷ đồng là các dự án BOT. Thanh tra Chính phủ xác định trong quá trình xây dựng, Bộ GTVT thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định hiện hành. Trong hơn 70 dự án BOT và BT, Bộ GTVT không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án. Tuy nhiên, Bộ này không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách. Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án.
Ngoài ra, hầu hết dự án BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, nhiều vị trí là độc đạo, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác là phải đi qua và… nộp tiền. Đã vậy, các trạm thu phí lại chen chân mọc lên dày đặc, 79/88 trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách 70km như quy định. Rồi hàng loạt trạm khai man doanh thu, làm đường chỗ này, thu phí chỗ khác… để rồi bị thanh tra, kiểm toán chỉ ra hàng loạt sai phạm, rút ngắn thời gian thu phí khiến người dân càng thêm mất lòng tin ở những người làm BOT.
Đổ lỗi cho nhau
Để làm nên một dự án BOT cần có sự tham gia thẩm định, đồng thuận của các Bộ: KH&ĐT, GTVT, Tài chính, Xây dựng… và địa phương liên quan. Nhưng sau những lùm xùm liên tiếp, giờ đây, BOT đã thực sự trở thành một thứ rắc rối mà không ai muốn vướng vào. Đơn cử, dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy, Bộ GTVT cho rằng “tráng men” QL1 để đủ điều kiện thu phí là đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang. Còn phía Tiền Giang bảo không biết, tất cả do Bộ GTVT và DN đưa ra ý kiến (!?).
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đăng đàn cho hay: “Bộ KH&ĐT là cơ quan đưa ra chính sách về hợp tác công - tư (PPP), nhưng các DN có cách "chạy dự án" để bỏ đấu thầu. Bộ chuyên ngành (tức Bộ GTVT) bảo đấu thầu mất thời gian, cứ chỉ ông này chỉ ông kia là xong, là có đường”.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng: “Tất cả vẫn đang còn phải chờ đợi ý kiến cuối cùng từ Chính phủ. Nhưng trước mắt, các dự án BOT đang khiến người dân và cả DN mất lòng tin, đó là điều đáng sợ nhất”.
TS Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) nhận định, làm BOT khi chưa có một khung pháp lý rõ ràng, vì muốn nhanh mà tạo ra kẽ hở “chỉ định thầu” khiến hình thành cơ chế xin - cho; dẫn đến hệ lụy như vừa qua. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trước tiên cần xem xét trách nhiệm của Bộ GTVT vì đây là những dự án giao thông, đầu tư theo cách nào, cần những điều kiện nào để đầu tư hiệu quả, minh bạch, Bộ GTVT phải có đề xuất, tham mưu để Chính phủ giao các cơ quan chuyên trách hỗ trợ, thực hiện.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo lên Thủ tướng việc Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư, phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ trong các dự án BOT. Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc…
Trong kế hoạch ngân sách trung hạn 2016 - 2020, vốn cho ngành giao thông chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu đặt ra, 70% còn lại phải kỳ vọng vào tư nhân, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết như vậy.
kinhtedothi.vn