Tổng hợp thông tin báo chí về ngành GTVT từ ngày 01 - 04/9/2012
Nhiều báo ra ngày 1/9 có tin cho biết: Ngày 31-8, UBND tỉnh TT- Huế và Bộ GTVT khánh thành cầu đường bộ Bạch Hổ bắc qua sông Hương thuộc nội đô TP Huế, vượt tiến độ thi công hơn 4 tháng. Cầu mới khởi công vào ngày 22-12-2009, thông xe kỹ thuật ngày 30-4 năm nay và khánh thành dịp kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Công trình có tổng chiều dài hơn 540m, rộng 24m; giá trị đầu tư trên 730 tỷ đồng.
Báo CAND (1/9) có tin “Lập 4 đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ” cho biết: Đó là thông tin quan trọng trong văn bản vừa được Tổng cục ĐBVN gửi tới Văn phòng UBATGTQG. Văn bản nêu rõ, căn cứ vào hoạt động KDVT đường bộ và bến xe khách năm 2012, Tổng cục ĐBVN sẽ tổ chức thành lập 4 đoàn kiểm tra tại 20 tỉnh, TP. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 12-29/11/2012. Trong đó, Đoàn số 1 sẽ tiến hành kiểm tra tại 5 tỉnh gồm Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang và Sóc Trăng từ ngày 12-28/9/2012. Tổng cục ĐBVN đề nghị Văn phòng UBATGTQG cử cán bộ phối hợp tham gia đoàn kiểm tra.
Báo ANTĐ (1/9) có bài “Dứt điểm 5 DA chậm tiến độ” cho biết: Nhiều DA GT trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đang bị chậm tiến độ do các vướng mắc liên quan tới GPMB và nguồn vốn. UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đang ráo riết tháo gỡ để giải quyết dứt điểm được các DA này. Có thể dễ dàng chỉ ra hàng loạt DA GT lớn đang gặp ách tắc về GPMB tại Hà Nội như Đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường nối Nhật Tân - Nội Bài... Điều đáng nói là số diện tích phải GPMB còn lại không quá lớn nhưng TP đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mà chưa thể xử lý dứt điểm, dẫn tới toàn bộ DA bị chậm tiến độ. Chánh VP UBND TP Nguyễn Thịnh Thành cho biết, từ nay tới cuối năm 2012, Hà Nội sẽ tập trung ráo riết để gỡ bằng hết những “nút thắt” này, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công. Về các vướng mắc liên quan tới nguồn vốn cho các DA, Chánh VP Bộ GTVT Nguyễn Văn Lưu cho biết, Bộ GTVT sẽ cân đối, bố trí kịp thời, đủ vốn cho các công trình trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội. Đặc biệt, Bộ sẽ quan tâm tới các DA cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh, đường HCM và DA mở rộng QL32, đoạn Diễn - Nhổn... TP Hà Nội cũng khẳng định, sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về vốn cho DA mở rộng và hoàn thiện Đại lộ Thăng Long, đảm bảo bố trí đủ 900 tỷ đồng năm 2012 và 843 tỷ đồng trong năm 2013. Bộ GTVT cũng cam kết sớm đầu tư đường hầm, nút giao khác mức ở 1 số nút giao như nút Thanh Xuân trên đường QL6, đường QL5, nút Mai Dịch, nút giao Lê Văn Lương. Bộ GTVT cam kết, sẽ khẩn trương quyết định phương án hướng tuyến DA đầu tư XD đường sắt đô thị tuyến số 1 qua các phố trung tâm Hà Nội và phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng, đảm bảo cơ sở triển khai hoàn thiện các thủ tục liên quan đến DA. Ngoài ra, Bộ sẽ sớm có ý kiến về Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 để Bộ XD thẩm định, trình TTgCP phê duyệt.
Báo Thanh niên (4/9) có bài “Xây cầu, phải đi vòng 10 km” cho biết: Đơn vị thi công tháo dỡ, cấm người qua lại trên cầu Mỹ Trạch (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) để xây mới nhưng không có phương án tạm thời đã khiến cuộc sống người dân đôi bờ sông Kiến Giang bị đảo lộn. Mỹ Trạch là cầu đường sắt, hai bên cầu có thiết kế lan can dành cho người đi bộ, xe máy 2 bánh. Tháng 5.2012, cầu được khởi công xây mới với kinh phí gần 40 tỉ đồng do TCty đường sắt VN làm chủ đầu tư; thời gian thi công 27 tháng. Cầu nằm ở vị trí giáp ranh giữa 3 xã Mỹ Thủy, Mai Thủy, Xuân Thủy; ngoài nhiệm vụ chính vận hành đường sắt bắc - nam, cầu còn là nơi đi lại, giao thương, học hành cho người dân 3 xã trên và thông tuyến cho cả một vùng dân cư rộng lớn trong vùng như các xã Sơn Thủy, Phú Thủy, Hoa Thủy, Dương Thủy, Tân Thủy... Giờ cắt đường, cấm cầu, người dân phải đi vòng xuống trung tâm huyện (có cầu đường bộ bắc qua sông) hoặc vòng lên đường Hồ Chí Minh. Mỗi chiều đi mất khoảng hơn 5 km. Như vậy, thay vì chỉ mất khoảng 2 phút cho 200 m từ bên này sang bên kia sông thì nay thời gian nhân lên gấp bội lần vì phải đi hơn 10 km. Ông Đặng Văn Hoàn, Đội trưởng Đội thi công thuộc Công ty CP cầu 3 Thăng Long cho biết đã cắt đường, cấm cầu vào ngày 15.8. Ngoài việc rào chắn ở hai đầu lối đi, đơn vị đã tháo dỡ một số tấm bê tông lót làm lan can đường để cắt việc đi lại của người dân. Kể từ đó đến nay, cuộc sống người dân bị đảo lộn; nhiều người phản ánh, chỉ khi có việc cần kíp lắm thì họ mới chạy xe vòng xuống trung tâm huyện còn không đều hủy bỏ. Trong khi đó, nhiều người bất chấp nguy hiểm, chạy xe và đi bộ trên lối hẹp khoảng 25 cm ở giữa đường ray, đối mặt với nguy cơ rơi xuống sông hoặc gặp tàu lửa.
Báo PLTPHCM (4/9) có tin “Hơn 50 km QL50 qua Chợ Gạo (Tiền Giang) hư hỏng nặng” cho biết: Do Bộ GTVT đang đầu tư làm tuyến đường tránh thị trấn Chợ Gạo nên đoạn QL50 đi qua thị trấn hư hỏng nặng nhiều năm nay không được sửa chữa. Khổ nỗi, đường tránh cũng không biết chừng nào xong vì đang phải chờ xây cầu Chợ Gạo mới. Ngày 14-8, chúng tôi đi suốt tuyến QL50 dài hơn 50 km từ TP Mỹ Tho về bến phà Cầu Nổi thuộc địa phận huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Vừa qua khỏi địa phận TP Mỹ Tho đến xã Song Bình, Long Bình Điền của huyện Chợ Gạo, xe chúng tôi lúc thì phải bò từ từ hoặc lạng lách vòng vèo để tránh những ổ gà, ổ voi nằm chi chít trên mặt đường. Đoạn đường 2 km đi qua thị trấn Chợ Gạo cũng hư hỏng rất nặng, nơi thì mặt đường đầy sống trâu gồ cao lên bên cạnh những hố sâu, nơi thì mặt đường bể nát khiến các loại phương tiện phải di chuyển chậm như rùa. Từ Chợ Gạo ra đến phà Cầu Nổi dài hơn 30 km có nhiều ổ voi, ổ gà sâu hơn 30 cm. Công an huyện Chợ Gạo cho hay từ năm 2009 đến nay tình trạng người đi xe máy sụp hố bị té gây thương tích xảy ra rất nhiều nhưng không thống kê được vì người bị nạn biết đâu thể “bắt đền” con đường, họ chỉ biết tự cứu chữa và về nhà mà không khai báo địa chỉ. Để người đi đường đỡ gặp nguy hiểm, gần đây, UBND tỉnh có chỉ đạo Sở GTVT dùng 100 triệu đồng kinh phí duy tu bảo dưỡng đường bộ của tỉnh tạm thời dặm vá các điểm nóng nhiều ổ voi, ổ gà trên QL50 (công việc lẽ ra thuộc các đơn vị của Bộ GTVT) nhưng không lâu sau, đường lại hư hỏng vì xe cộ lưu thông quá nhiều. Hôm 20/7 vừa rồi, khi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ trưởng Thăng vẫn tiếp tục khẳng định: QL50 trong giai đoạn mở rộng, phải chờ lún xong mới làm tiếp.
Báo KHĐS (4/9) có bài “PGS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, trường Đại học GTVT: Không ai mua xe về đắp chiếu” cho biết: Bộ GTVT đang lấy ý kiến về dự thảo Đề án "Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia GT tại các đô thị lớn". Theo PGS Nguyễn Quang Toản, hạn chế là hợp với nguyên lý nhưng: "Đã có 1 sự hiểu lầm, áp dụng sai nguyên lý khi đưa ra đề xuất này". Theo ông Toản, việc tăng thuế, phí để hạn chế phương tiện; yêu cầu chủ sở hữu phải có ít nhất 5 năm sống ở đô thị lớn mới được đăng ký mới... được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, từ đó giảm ùn tắc GT. Tuy nhiên, hạn chế GT bằng cách hạn chế sở hữu như vậy là 1 biện pháp tồi và không bao giờ khả thi, vì luật không cấm. Để giải bài toán GT hiện nay thì phải hạn chế lưu thông chứ không phải là hạn chế sở hữu. Đó mới là vấn đề căn bản. Nguyên lý chung của GT đô thị là GTCC (đường sắt đô thị - Metro, buýt nhanh...) và phi cơ giới (đi bộ, đi xe đạp). Đương nhiên, khi đó sẽ hạn chế phương tiện cá nhân. GTCC của TP hơn 1 triệu dân không phải là xe buýt. Đó chỉ là trung gian của loại hình GTCC với sức chở lớn thôi. Nghĩa là, chúng ta phải tạo nên những phương tiện mà có sức thông quan chừng 20.000 - 30.000 hành khách/giờ thì mới là vận tải công cộng của đô thị nhiều triệu dân. Chứ còn như xe buýt hiện nay, cứ tính 5 phút/chuyến, mỗi chuyến chở 100 người, mỗi giờ chở được 1.200 người thì chẳng để làm gì cả. Cũng theo ông Toản, ùn tắc là đáng mừng, vì nó là biểu hiện của sự phát triển kinh tế. Khi đó, dân có nhiều tiền, họ đổ vào ăn uống, mua sắm, đi lại, trong đó có sở hữu xe riêng. Thứ nữa, người ta đổ xô về TP của anh có nghĩa là TP đó phát triển, có nhiều cơ hội kiếm tiền, hấp dẫn người ta. Cũng cần nhớ 1 quy luật: Ùn tắc GT là 1 xu thế chung, các nước đi trước còn chẳng tránh được huống hồ chúng ta. Muốn chống tắc đường ư? Dễ thôi. Hãy làm cho nhu cầu đi lại ít đi. Mà muốn vậy thì chỉ còn cách giảm tốc độ phát triển kinh tế. Ta có dám làm không? Vì người ta đã không hiểu hoặc không chịu hiểu rằng, số lượng sở hữu phương tiện không liên quan đến số lượt tham gia GT. Nhà người ta có 4, 5 cái xe máy, nhưng nếu họ bị mất việc làm, không có tiền đổ xăng thì họ đi xe làm gì? Vậy thì còn tắc đường vào đâu nữa? Ông Toản cũng cho rằng, không có ai dại đến mức mua xe về đắp chiếu không đi. Ai kêu đường tắc cứ kêu. Còn người đã có tiền mua xe, có nhu cầu đi lại thì dù tắc họ vẫn phải tìm đường để đi. Chỉ có 1 biện pháp duy nhất là vận động người dân khắc phục khó khăn, nhường nhau mà đi. Cái đó là quan trọng nhất. Đồng thời, chính quyền cũng phải kiên trì và kiên quyết làm những biện pháp dài hơi. Người dân và chính quyền cùng hợp lực thì vài ba chục năm nữa, chúng ta có thể hy vọng GT tốt hơn.
Nhiều báo ra ngày 4/9 có tin “Thừa Thiên – Huế: Tàu hỏa tông taxi làm 1 người tử vong, 4 người bị thương” cho biết: vào lúc 10h50' trưa hôm nay (3/9) tại km 735+250 cung đường sắt Bắc Nam, thuộc địa phận thôn An Bàng, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), tàu hỏa chở hàng đi hướng Nam- Bắc, số hiệu 240 T1 chạy hướng Đà Nẵng - Huế đã tông vào xe taxi Tiên Sa BKS 43X- 0433 do tài xế Nguyễn Thanh Vũ (SN 1967, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) điều khiển từ Quốc lộ 1A vào hướng Nhà thờ Nước Ngọt. Trên xe taxi lúc đó đang chở trên xe 4 hành khách. Lái xe đã điều khiển xe taxi băng qua đường sắt theo tuyến đường dân sinh không có chắn tàu. Sau va chạm, chiếc taxi bị tàu hỏa kéo lê 1 đoạn dài hơn 20m và bị hất văng khoảng 25m trước khi đoàn tàu phanh lại. Hậu quả, cả 5 người đi trên xe bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Trung ương Huế. Riêng tài xế Vũ đã tử vong tại bệnh viện. Hiện nguyên nhân đã được cơ quan chức năng xác định là do tài xế taxi thiếu quan sát khi băng qua đường sắt không có chắn AT nên gây ra tai nạn đáng tiếc trên.
Ghi chú
1. Báo cáo tổng hợp này không tổng hợp tất cả các bài viết về ngành GTVT ở tất cả các báo mà chỉ giới hạn trong một số bài viết và đầu báo.
2. Thông tin trích dẫn từ một bài báo là thông tin được lựa chọn và trích dẫn chủ quan; không phản ánh hết nội dung cuả bài báo.
3. Tất cả bài nêu trong báo cáo này đều được lưu giữ tại phòng Thông tin Tuyên truyền – Văn phòng Bộ và sẵn sàng phục vụ việc tra cứu.
4. Có thể tìm báo cáo tổng hợp này trên trang web của Bộ GTVT tại địa chỉ: www.mt.gov.vn.
(Nguồn: www.mt.gov.vn)