Vantai24h – Ngày 25/06/2015 - Với lợi thế tiềm năng về vận tải đường thủy, từ nay đến năm 2020, Bộ GTVT sẽ quy hoạch và tổ chức lại quá trình vận tải ở Đồng bằng sông Cửu Long, nâng công suất vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy lên 83 triệu tấn/năm.
Trước mắt, cảng Cần Thơ sẽ được mở rộng với năng lực vận chuyển 650.000 tấn hàng hóa/năm và tiếp nhận tàu 10.000 tấn. Cần Thơ đang xây dựng tuyến giao thông thủy quốc tế trên sông Hậu và giao thông nội vùng gồm các tuyến kênh Cái Sắn, sông Cần Thơ, kênh xáng Xà No, sông Ô Môn, Thốt Nốt; nạo vét các kênh rạch bảo đảm cho phương tiện có tải trọng từ 5 tấn lưu thông; xây dựng thêm nhiều bến tàu hàng hóa, hành khách trên nhiều tuyến sông chính. Cùng với đó, trong thời gian tới sẽ xây dựng giai đoạn 2 cảng Cái Cui (Cần Thơ) với 4 bến tàu tải trọng từ 10.000-20.000 tấn, tiếp nhận 2,3-2,5 triệu tấn hàng hóa/năm; trong đó 800.000 tấn chở bằng container.
Cảng cần thờ. Nguồn: Internet.
Từ nay đến năm 2016, Bộ GTVT sẽ cho thực hiện các dự án xây dựng tuyến tránh kênh Chợ Gạo, nâng cấp tuyến vận tải sông Hàm Luông, Bạc Liêu-Cà Mau và Đồng Tháp Mười-Tứ giác Long Xuyên.
Đối với đường thủy nội địa, các tuyến thủy nội địa chính sẽ được Bộ GTVT đạt cho hoàn thành nâng cấp kỹ thuật theo quy định; đồng thời, tập trung cải tạo một số đoạn tuyến quan trọng; tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác; đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách.
Khi các dự án hoàn thành, quá trình vận tải ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tổ chức lại. Từ đó, tạo ra nhiều điều kiện khai thác và phát triển cảng biển trên sông, góp phần giảm chi phí vận tải, giảm áp lực cho các trục giao thông thủy, bộ nối Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh./.
Nguồn: tuoitre.vn