Vantai24h – Ngày 29/10/2014 - Kể từ ngày 01/12/2014, Thông tư số 53/2014/TT-BGTVT Quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, việc bảo dưỡng các xe cơ giới phải thường xuyên và được thực hiện hàng ngày hoặc trước, sau và trong mỗi chuyến đi. Bảo dưỡng định kỳ được thực hiện theo chu kỳ bảo dưỡng với các cấp bảo dưỡng khác nhau. Sau khi thực hiện bảo dưỡng định kỳ cho xe cơ giới, cán bộ kỹ thuật của cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phải thực hiện nghiệm thu, kiểm tra đảm bảo chất lượng công việc.
Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe phải có trách nhiệm kiểm tra tình trạng hoạt động các chi tiết, hệ thống, tổng thành để đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường củ axe cơ giới trước khi tham gia giao thông. Đồng thời, kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên trước và sau mỗi chuyết đi hoặc sau mỗi ngày hoạt động để nắm chắc tình trạng kỹ thuật củ xe cơ giới. Kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định.
Chu kỳ bảo dưỡng định kỳ được quy định như sau:
1. Đối với ô tô con, chu kỳ bảo dưỡng định kỳ với quãng đường 5.000 – 10.000km, thời gian 6 tháng/lần.
2. Đối với ô tô chở người, ô tô chở người chuyên dùng từ 10 chỗ trở lên, chu kỳ bảo dưỡng định kỳ với quãng đường 4.000 – 8.000km, thời gian 3 – 6 tháng/lần.
3. Đối với ô tô tải, ô tô tải chuyên dùng; rơmoóc, sơmi rơmoóc các loại, ô tô chuyên dùng, chu kỳ bảo dưỡng định kỳ với quãng đường 4.000 – 8.000km, thời gian 3 – 6 tháng/lần.
Chu kỳ bảo dưỡng định kỳ xác định theo quãng đường xe chạy hoặc thời gian khai thác sử dụng tùy theo điều kiện nào đến trước. Những giá trị thời gian và quãng đường được quy định ở trên là giá trị tối đa để xe phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ. Giá trị nhỏ trong chu kỳ bảo dưỡng định kỳ áp dụng đối với các xe kinh doanh vận tải, xe hoạt động ở vùng núi, hải đảo; giá trị lớn áp dụng cho các xe không kinh doanh vận tải, xe hoạt động ở đồng bằng./.