Vantai24h tài trợ cho chương trình ÁO ẤM VÙNG CAO do hội PHƯỢT HÀ NỘI tổ chức đã mang theo 200 bộ bàn ghế học sinh, 5000 gói mì tôm, 3000kg gạo, 2000 gói bột
Vantai24h- Sau một ngày trời đánh vật với con đường ngoằn ngoèo với những vực sâu hun hút và những khúc “cua tay áo”, cuối cùng chúng tôi cũng đến được xã Mường Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa).
Những ngày cuối năm 2013, khi cái rét tái da thâm thịt bao phủ khắp các hang cùng ngõ hẻm của miền Bắc thì các em nhỏ nơi đây lại mặc những bộ quần áo khá mỏng manh. Các em đón đoàn chúng tôi bằng những nụ cươi tươi rói, hạnh phúc. Dường như cái lạnh thấu xương kia không thể cướp được niềm hạnh phúc nhỏ nhoi được đón người dưới xuôi lên tặng quà của các em. Cảnh ấy khiến nhiều người trong đoàn Phượt Hà Hội và
Vantai24h chúng tôi xúc động và cảm nhận sâu sắc hơn công việc từ thiện mà mình đang làm sẽ đem lại cho vùng đất này một đốm lửa nhỏ thật có ý nghĩa biết bao.
Đến Mường Lý, tôi chợt nhớ đến những vần thơ để đời của nhà thơ Quang Dũng trong bài Tây Tiến khi nói về vùng đất hiểm trở này: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi... Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Địa hình hiểm trở, xa cách, giao thông khó khăn, không thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội chính là rào cản khiến vùng đất này bao đời vẫn nghèo, điều đó khiến cho các em nhỏ, đối tượng chúng tôi dành tặng quà trong chuyến đi này hào hứng như được đi chơi trong ngày hội.
Mường Lý là một xã vùng cao thuộc huyện Mường Lát nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Từ Mường Lý có thể sang huyện Sầm Nưa không xa. Mường Lý có 15 bản (11 bản người Mông và 4 bản người Thái). Hiện nơi đây vẫn chưa có điện lưới, chợ. Lối vào trung tâm xã là con đường mòn chạy men theo các sườn núi bên triền sông Mã. Hầu hết cư dân Mường Lý đều sinh sống trên các ngọn núi cao nên việc học chữ của con cái họ gặp rất nhiều khó khăn. Có bản ở cách xa trường gần 30km nên học sinh người dân tộc Mông ở xã Mường Lý phải đi bộ nhiều cây số, vượt qua hàng chục ngọn núi, con khe, đầu trần, chân đất mới đến trường...
Tìm hiểu qua các thầy cô giáo ở đây chúng tôi được biết, năm học 2012 – 2013, trường THCS Mường Lý có 308 học sinh bán trú. Từ năm 2010, để đảm bảo việc học của các em được thường xuyên, địa phương đã xây dựng hai khu bán trú cho học sinh, nhằm giúp các em có nơi ở để yên tâm học tập khi xa nhà. Thế nhưng, 2 dãy nhà bán trú với 20 phòng, mỗi phòng 8 em tính ra chỉ giải quyết được nơi ở cho một nửa học sinh của trường (160/308 học sinh). Số học sinh còn lại, phải ra ngoài dựng lều ở tạm. Vì vậy, vào đầu năm học phụ huynh học sinh ở các bản xa của xã lại phải gồng gánh cọc tre, vách nứa, lá cọ... lên trung tâm xã để dựng lều cho con em mình ở để đi học. Nhìn những chiếc lều lụp xụp, tạm bợ, chỉ rộng khoảng hơn 4m2 mà trống hua trống hoác, gió lùa từ bề, lạnh buốt của các em mà chúng tôi không khỏi xót xa. Thào Thị Da (bản Chà Lan), Mo Thị Xi (bản Trung Tiến 2) và em Trăng Thị Dởi (bản Chà Lan), tâm sự với chúng tôi: “Thời tiết mùa đông như bây giờ, ở ba, bốn người là ít quá anh ạ. Vì bọn em không có nhiều quần áo ấm, chăn cũng không đủ dày, nên chỉ có cách ngồi sát vào nhau vừa học bài, vừa có thể sưởi ấm cho nhau, chứ mỗi người một góc thì lạnh lắm”.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em, Chương trình ÁO ẤM VÙNG CAO do hội PHƯỢT HÀ NỘI và
Vantai24h chúng tôi tổ chức đã mang theo 200 bộ bàn ghế học sinh, 5000 gói mì tôm, 3000kg gạo, 2000 gói bột canh, hơn 800 hộp sữa cùng nhiều sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập, thuốc y tế, quần áo, chăn màn… dành tặng các em để chống lại cái đói, cái rét trong mùa đông giá lạnh; mong các em được no bụng, yên tâm học cái chữ, mở mang tri thức, giúp mong ước làm giàu bao đời của người Mông, người Thái chóng thành sự thật.
Trong khi học sinh dưới xuôi, việc đi học quả là dễ dàng, nhưng lại có hiện tượng bạo lực học đường, trốn học, yêu sớm… khiến các bậc phụ huynh lo ngay ngáy thì ở đây, mặc dù rất muốn học được nhiều cái chữ, nhưng cái nghèo, sự khó khăn về địa hình, giao thông và cả các tập tục lạc hậu của người dân bản địa đang cản bước các em. Em Ngân Yến Đàm (ở bản Mau), học sinh lớp 9, tâm sự: “Chúng em rất muốn đi học theo buổi để được ở nhà nhưng quãng đường từ nhà đến trường gần 20 cây số, toàn đường núi có xe cũng không đi nổi. Nếu ngày nào cũng guốc bộ 20 cây số để đến trường thì các em chưa đến được trường đã phải quay về kẻo trời tối. Đó là chưa kể trời mưa gió, rét mướt, chúng em phải nghỉ học ở nhà. Vì vậy bọn em mới phải dựng lều ở lại”.
Được biết, các em ở bán trú đều là những con em của các bản xa, gia đình đều rất khó khăn. Ngoài giờ lên lớp các em lại tranh thủ thời gian của mình vào rừng hái rau, chặt củi mang về nấu. Số tiền cha mẹ cho các em phải chắt chiu từng đồng để lo cho việc ăn học ở trường. Em Trăng Thị Dởi (12 tuổi), ở bản Chà Lan cho biết: “Cứ một tuần em về nhà một lần vừa để thăm nhà vừa để lấy gạo, sắn, mắm, muối mang lên. Nếu có tiền thì ba mẹ cho thêm để lên đó em có tiền mua rau, cá mà ăn. Còn không có tiền thì chúng em cơm không qua bữa, có khi chỉ luộc mấy củ sắn ăn cho chắc bụng là được. Việc đi chợ chúng em cũng chi li, tính toán làm sao đi một ngày mà ăn được ba bốn ngày”.
Để “nuôi con chữ”, các em chấp nhận những khó khăn, vất vả. Một điều đáng mừng nữa là dù cuộc sống khó khăn, vất vả là thế nhưng các gia đình ở xã Mường Lý (Mường Lát) vẫn quyết tâm cho con em được đi học. Có lẽ càng trong hoàn cảnh khó khăn, người dân nơi đây càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị và tầm quan trọng từ việc học hành của con em mình.
Ông Đinh Công Đại – Chủ tịch UBND xã Mường Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) tâm sự:
Cũng muốn xây dựng trường lớp, nhà ở kiên cố để các em được học hành đàng hoàng và an toàn nhưng xã nghèo, làm gì đủ kinh phí. Trước mắt chính quyền địa phương sẽ tận dụng mọi khả năng, cũng như huy động sự ủng hộ giúp đỡ của các quỹ hội để có thể xây thêm các khu bán trú mới cho các em, để các em có nơi ăn ở và học tập được tốt hơn.
Một ngày ở Mường Lý làm từ thiện là một ngày chúng tôi được chứng kiến cái nghèo, cái đói, cái rét bủa vây các em, điều đó khiến lòng tôi trĩu nặng nỗi buồn. Các em như những trồi non xanh mơn mởn đang phải đối đầu với bao khó khăn để đổi lấy cái chữ. Điều đó khiến mọi người trong đoàn chúng tôi không khỏi băn khoăn. Có lẽ các em cũng là một tấm gương để chúng tôi vươn lên sống tốt, sống đẹp và sống có ích vì cộng đồng nhiều hơn. Chúng tôi mong rằng, tất cả những ai có lòng hảo tâm hãy liên hệ với chúng tôi, cùng chung tay góp một phần nhỏ bé để giúp các em vùng cao có đủ sức, tiếp tục thực hiện mong ước đến trường. Hãy liên hệ với
Vantai24h chúng tôi để biết nhiều hơn những vấn đề mà các bạn đang quan tâm.
Một số hình ảnh hoạt động trong chương trình:
Nguồn: Đức Tâm ( Báo QĐND)