Vận Tải 24 - 04/06/2013
Từ ngày 1-7 tới, các thông tin vi phạm trích xuất từ hộp đen sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng xử lý DN như thu hồi phù hiệu chạy xe, thậm chí tước giấy phép kinh doanh vận tải.
Vận Tải 24 - 04/06/2013
Từ ngày 1-7 tới, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm phương tiện vận tải không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hộp đen hoặc có lắp nhưng không đúng quy chuẩn. Nếu doanh nghiệp (DN) vận tải có 20% số xe vi phạm vượt quá tốc độ quy định hoặc 10% số lượng xe hoạt động trên tuyến có lái xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện sẽ bị tước giấy phép kinh doanh. Đây là những động thái quyết liệt của Bộ GTVT nhằm chấn chỉnh tình trạng DN lắp đặt hộp đen để đối phó. Kiểm soát được tốc độ chạy xe sẽ giảm số vụ tai nạn giao thông (TNGT).
Nhiều vi phạm nhức nhối
Chuyện lắp đặt hộp đen để đối phó với lực lượng chức năng không phải là mới, nhưng đợt kiểm tra đầu tiên tại 7 đơn vị cung cấp hộp đen và 7 DN do Thanh tra Bộ GTVT thực hiện trong tháng 4-2013 đã cho thấy một thực trạng nhức nhối. Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra bộ cho biết: Khi trích xuất thông tin dữ liệu từ hộp đen gắn trên 1.200 phương tiện trong 1 ngày đã cho kết quả "giật mình". Bình quân mỗi xe khách chạy quá tốc độ 22 lần/ngày, xe buýt 7 lần/ngày. Trong đó xe chạy quá tốc độ cao nhất là 126km/h trong khi tốc độ tối đa cho phép là 70km/h. Kiểm tra 313 xe thì có tới 40 xe lắp hộp đen không bảo đảm các điều kiện nên không theo dõi, trích xuất đủ thông tin bắt buộc…
Lực lượng thanh tra giao thông lập biên bản xử lý chủ phương tiện vi phạm luật giao thông trên tuyến quốc lộ 32 .Ảnh: Hải Anh
Qua kiểm tra, 3 nhà cung cấp hộp đen đã bị thu hồi giấy chứng nhận hợp quy, 2 nhà cung cấp bị nhắc nhở và yêu cầu khắc phục những tồn tại của thiết bị đã bán ra thị trường. Trong đó, Công ty TNHH Thiết bị và công nghệ tự động Tân Á Châu bị thu hồi vì giấy chứng nhận hợp quy thiết bị đầu cuối trong hệ thống GMS của thiết bị i-Bee đã hết hạn từ ngày 2-6-2012; thiết bị lắp trên xe ô tô sử dụng tín hiệu đo tốc độ bằng GPS không phù hợp với phương pháp đo đã được Bộ GTVT chứng nhận… Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Sao Việt gian lận khi kê khai nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Hộp đen nhập từ nước ngoài nhưng công ty đăng ký là sản xuất, lắp ráp trong nước. Công ty CP Viễn thông Vạn Xuân không lắp ráp hộp đen từ tháng 4-2012, không duy trì nhà xưởng, nhân công phục vụ lắp ráp. Phần mềm quản lý bị các lỗi như: Không theo dõi, trích xuất được số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian làm việc của lái xe.
Xử lý sai phạm từ hộp đen
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, cả nước có 48.000 phương tiện trong diện bắt buộc phải lắp hộp đen. Theo thống kê sơ bộ, trong tháng 5-2013, có đến 90% số vụ tai nạn liên quan đến xe thuộc diện phải lắp hộp đen. Nếu làm tốt việc lắp thiết bị, TNGT sẽ giảm. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, những lỗi được phát hiện từ hộp đen chưa bị xử phạt do chưa đủ cơ sở pháp lý, nếu muốn xử lý phải bổ sung. Từ ngày 1-7 tới, các thông tin vi phạm trích xuất từ hộp đen sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng xử lý DN như thu hồi phù hiệu chạy xe, thậm chí tước giấy phép kinh doanh vận tải.
Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu các sở GTVT tăng cường kiểm tra hoạt động của phương tiện vận tải qua hộp đen. Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT rà soát việc lắp hộp đen, bảo đảm thiết bị phải theo dõi, trích xuất đầy đủ thông tin tối thiểu theo quy định và đáp ứng các tính năng khác như: Lưu trữ dữ liệu trong thời gian quy định, có tín hiệu báo trạng thái hoạt động, có cổng kết nối máy in… Đơn vị cung cấp khắc phục, sửa chữa ngay các thiết bị không có đủ chức năng theo quy định. DN vận tải phải thành lập và duy trì hoạt động bộ phận quản lý khai thác hộp đen, qua đó quản lý chặt chẽ, hiệu quả lái xe nhằm giảm vi phạm và TNGT do lỗi chủ quan của người lái. Các sở GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra, giám sát việc lắp đặt và sử dụng hộp đen, kịp thời phát hiện phương tiện, lái xe có vi phạm (đặc biệt là vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe, hành trình). Trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần sẽ lập biên bản xử lý, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh đối với đơn vị vận tải; thu hồi, không cấp mới, đổi phù hiệu, sổ nhật trình; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP.
Theo Nghị định 93/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép khi vi phạm điều kiện kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ và an toàn vận tải. Cụ thể, đơn vị có 5% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến vi phạm hành trình; có 20% số lượng lượt xe vi phạm quy định về tốc độ; 20% số lượng lượt xe vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định; 10% số lượng lượt xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện.
Từ tháng 7 đến tháng 9-2013, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ tiến hành chiến dịch "tốc độ". Chiến dịch này được thí điểm tại 3 DN vận tải khách. Hằng ngày DN và Ủy ban ATGT quốc gia sẽ cập nhật thông tin về tốc độ của xe và một số lỗi vi phạm công bố với báo chí thông tin cụ thể về việc xe chạy quá tốc độ để giám sát.
Theo: Hanoimoi