Giá xăng dầu giảm nhưng hầu như các nhà xe không hề giảm giá vé cho hành khách đôi khi còn tăng, một số đơn vị vận tải hành khách TP HCM thì giữ nguyên hay giảm một chút ít.
Vận Tải 24h - 17/04/2013
Trái ngược với chiều hướng giảm giá xăng, dầu, trong những ngày gần đây, giá vé nhiều tuyến xe khách ở Hà Nội lại đồng loạt tăng, có tuyến tăng đến 50%. Trong khi đó ở TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp vận tải (DNVT) hầu như không tăng giá cước, thậm chí có DN còn giảm giá vé.
Ðại diện Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, 15 DNVT đăng ký hoạt động tại các bến xe của Hà Nội đã thông báo tăng giá vé vận chuyển trên 36 tuyến xe khách liên tỉnh. Tuyến tăng thấp nhất là 6%, tuyến tăng nhiều nhất là 50% so với mức giá vé cũ. Trong đó, có 33 tuyến xe khách tại bến xe Mỹ Ðình, 19 tuyến xe tại bến xe Giáp Bát tăng giá vé... Mức tăng giá vé phổ biến dao động từ 10-20%, Nhưng cũng có khá nhiều tuyến tăng ở mức cao như tuyến Hà Nội - Trực Ninh (Nam Ðịnh) của Công ty CP Vận tải Nam Trực tăng từ 40 nghìn đồng/vé lên 60 nghìn đồng/vé; tuyến Hà Nội - Na Hang (Tuyên Quang) của Công ty Bảo Yến tăng từ 110 nghìn đồng/vé lên 140 nghìn đồng/vé. Tuyến từ Mỹ Ðình đi Sơn La tăng từ 180 nghìn đồng lên 220 nghìn đồng/vé; xe từ Mỹ Ðình đi Kim Sơn (Ninh Bình) từ 75 nghìn đồng tăng lên 90 nghìn đồng...
Trưởng phòng Kế hoạch - Ðầu tư Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội Lý Trường Sơn cho biết, phần lớn các tuyến có tăng giá là các tuyến có cự ly ngắn. Bên cạnh đó, một số tuyến đường dài cũng tăng giá như từ Hà Nội đi các tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Hà Giang... Mức tăng này không chỉ áp dụng trong đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 mà sẽ còn kéo dài. Nguyên nhân tăng giá là do cuối tháng 3 vừa qua, giá xăng, dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, giá cước vận tải không thể điều chỉnh lên xuống nhanh như giá xăng, dầu. Khi giá xăng tăng, thủ tục tăng giá vé mấtnhiều thời gian và ngược lại, khi muốn giảm giá cũng vậy, bao giờ cũng có độ trễ so với thị trường xăng, dầu. Ngoài ra, một số chi phí khác như nhân công, vật tư tăng giá... Trưởng phòng Lý Trường Sơn cho biết: Việc tăng giá vận chuyển đối với các doanh nghiệp cũng là "bần cùng bất đắc dĩ" bởi giá tăng thì hành khách sẽ hạn chế đi xe. Như vậy, doanh thu của các DNVT chưa chắc đã cải thiện.
Tuy vậy, việc tăng giá vé xe khách vẫn khiến dư luận bức xúc. Anh Nguyễn Chí Trung, quê ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết, nhân kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 được nghỉ dài ngày, anh tranh thủ về quê. Ra đến bến mua vé mới biết, giá vé tuyến Hà Nội - Nghi Sơn của Công ty TNHH Lý Thảo đã tăng từ 100 lên 120 nghìn đồng/lượt. Anh Trung tưởng nhà xe chỉ áp dụng giá vé này đợt nghỉ lễ nhưng khi biết, đây sẽ là mức giá cố định, anh không khỏi bức xúc. Anh than thở: "Họ bảo tăng giá vé do giá xăng, dầu tăng, nhưng rõ ràng, giá xăng, dầu đã giảm hai đợt, gần về với mức giá hồi đầu năm. Chắc lần sau tôi sẽ chọn phương tiện khác để về nhà hoặc là sẽ hạn chế việc đi lại".
Hiện tại, do đang trong thời điểm dịp nghỉ lễ, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, cho nên đơn vị quản lý vẫn chưa đánh giá được sự biến động về số lượng hành khách. Tuy vậy, nhiều người lo lắng, với tình hình người dân thắt chặt chi tiêu, hoạt động vận tải phải cạnh tranh cao như hiện nay thì việc tăng giá kéo dài sẽ khiến việc kinh doanh của các DN gặp không ít khó khăn. Các đơn vị quản lý bến xe đều khuyến cáo các DNVT tạm ngừng điều chỉnh giá vé. Ðược biết, từ ngày 20-4 đến nay, các bến xe đã không nhận thêm trường hợp nào thông báo tăng giá vé.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, một trong những thị trường vận tải lớn nhất của cả nước, giá cước vận tải vẫn ổn định sau các đợt tăng, giảm của giá xăng, dầu. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ cho biết, sau đợt tăng giá xăng kỷ lục ngày 28-3 vừa qua, các DN ta-xi vẫn giữ nguyên mức giá để bảo đảm không biến động các hoạt động vận tải trên thị trường. Nếu như những lần trước đây, khi giá xăng tăng, lập tức các DN cũng rục rịch điều chỉnh giá cước ngay, nhưng lần này với mức tăng kỷ lục (gần 1.500 đồng/lít xăng) thì các DN vẫn tìm cách ổn định. Ðối với Hãng Ta-xi Vinasun, Phó Tổng Giám đốc Tạ Long Hỷ cho biết, ngay khi xăng tăng giá, công ty đã làm việc với lái xe và đi đến thống nhất, lái xe chạy trên 200 km/ngày sẽ được hỗ trợ 16 nghìn đồng chi phí phát sinh do xăng tăng giá. Theo nhiều lái xe, mặc dù vẫn bị thiệt thòi với quy định này song quan trọng hơn là giá cước vẫn ổn định nhằm ổn định lượng khách đi xe như trước đây. Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Ta-xi Mai Linh Nguyễn Tuấn Sinh cho rằng: Việc giá xăng, dầu tăng giá sẽ khiến các DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, song vì lợi ích của DN, lái xe và người dân nên hãng quyết định không tăng giá như những lần trước đây. Ngoài ra, trong giai đoạn các DN đều cạnh tranh để thu hút khách hàng thì các DN đều phải tìm cách tăng năng suất kinh doanh thay vì tăng giá cước để bù đắp.
Trong khi đó, tại hai bến xe lớn nhất của TP Hồ Chí Minh là Bến xe Miền Ðông và Bến xe Miền Tây, lãnh đạo các đơn vị này đều khẳng định: Kể từ thời điểm giá xăng tăng (28-3) và giá xăng giảm qua hai lần (9 và 18-4), hầu hết các DN hoạt động trong bến đều không tăng giá cước vận chuyển. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Ðông giải thích: Qua các đợt tăng, giảm giá xăng, dầu, hơn 200 DN hoạt động trong bến đều đăng ký giữ nguyên giá cước vận chuyển. Theo ông Hải, với hàng trăm DN vận tải hoạt động tuyến TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh như hiện nay trong khi nhu cầu đi xe của người dân không tăng thì yếu tố cạnh tranh, chất lượng dịch vụ luôn được đặt lên hàng đầu. Như những năm trước đây, sau khi giá xăng tăng, lập tức giá cước cũng đu theo nhưng khoảng một năm trở lại đây, các DN đều rất "ngại" tăng giá cước vì sợ mất khách. DN nào muốn tăng giá cũng phải đều "nghe ngóng" tình hình của các DN khác mới quyết định điều chỉnh giá cước.
Trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, trong số hơn 200 DN hoạt động cũng chỉ có bảy DN đăng ký phụ thu giá cước 40% trong những ngày cao điểm. Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Tây khẳng định: Từ đầu tháng 4-2013, tức sau các đợt tăng và giảm giá xăng, dầu đến nay chỉ có năm DN đăng ký điều chỉnh tăng giá cước. Tuy nhiên, đây cũng là những DN chưa tiến hành điều chỉnh tăng giá từ những đợt tăng giá xăng trước đây. Ngoài ra, trong dịp lễ, bến xe này cũng chỉ có 57/174 DN tổ chức phụ thu 40% giá cước trong đợt cao điểm từ 27 đến 29-4, sau đó sẽ trở lại giá cước bình thường như trước. Thậm chí, ngay trong dịp lễ, hãng xe Phương Trang còn giảm giá vé cho người dân. Theo ông Nguyễn Công Ðỉnh, Tổng Giám đốc hãng xe Phương Trang cho biết, trong dịp lễ 30-4 giá vé vẫn giữ như mức những ngày thường đồng thời sau lễ, hãng còn giảm giá vé từ 5 đến 35 nghìn đồng mỗi vé cho các tuyến về miền tây và miền trung.
Theo thống kê của các bến xe tại TP Hồ Chí Minh, lượng khách đi lại dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay tuy tăng gấp đôi so với ngày thường nhưng lại tương đương so dịp lễ năm trước. Ðiều này phản ánh do tình hình kinh tế khó khăn, giá cả tăng cao nên người dân cũng hạn chế việc đi lại, chi tiêu cho các hoạt động giải trí, du lịch. Như thế, với nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau, việc tăng giá, giảm giá xăng, dầu mặc dù có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DNVT nhưng nhiều DN trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục ổn định giá cước đồng thời đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của đơn vị mình.
Việc các DNVT ở TP Hồ Chí Minh giữ nguyên giá vé, trong khi ở Hà Nội lại tăng giá cao như vậy, gây khó khăn và bức xúc cho hành khách. Các cơ quan, ban ngành chức năng cần vào cuộc nhằm chấn chỉnh, ổn định giá vé vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 trong bối cảnh giá xăng đã giảm vừa qua.
Theo: Nhandan