Ngày 22/4, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.
Vận Tải 24h - 25/04/2013
Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Xóa đi Đàn Xã Tắc là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát
Ngày 22/4, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.
Trong văn bản gửi thành phố, Hiệp hội Vận tải nêu quan điểm: “Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy. Cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người. Khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ”.
Hiệp hội này cũng đề nghị thành phố “xóa” Đàn Xã Tắc với lập luận: Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là “phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1 km”, nơi gắn với chiến công hiển hách của vua Quang Trung.
Đàn Xã Tắc
Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nên sớm xây cầu vượt Xã Đàn: "Dừng công trình cầu vượt qua Đàn Xã Tắc sẽ khiến “tắc Xã Đàn”. Lúc đó, không rõ trời đất có linh thiêng không, hay chỉ thấy hàng chục vạn người dân phải khổ sở vì ách tắc giao thông, vì ô nhiễm khói bụi...", ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.
Ông Liên nói thêm: Đàn Xã Tắc phát lộ chỉ mấy trăm m2 đã không cho cầu vượt chạy qua. Vậy nếu phát lộ hàng nghìn m2, liệu có phải khai quật tất cả nhà dân không? Hoặc giả sử khi thi công đường lại phát hiện một số nền gạch khác thì xử lý ra sao? Hay phải dời Hà Nội lên Xuân Mai, Ba Vì?...
Các chuyên gia: Di tích Đàn Xã Tắc cần được bảo tồn
Ngược lại với những lập luận, phân tích của Hiệp hội Vận tải Hà Nội; rất nhiều chuyên gia đầu ngành đã lên tiếng cho rằng không nên xây cầu vượt Đàn Xã Tắc bởi di tích Đàn Xã Tắc cần được bảo tồn.
GS Phan Huy Lê bày tỏ quan điểm nên dừng cầu vượt Đàn Xã Tắc, tìm phương án khác. GS phân tích: “Làm cầu vượt trùm lên khu di tích Đàn Xã Tắc là điều hoàn toàn không nên. Nếu đây là một khu di tích kiến trúc thông thường thì còn có thể được, nhưng di tích đàn Xã Tắc thuộc loại hình văn hóa mang tính chất tâm linh.
Chúng ta phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân. Không thể xây một cây cầu bê tông cốt thép vượt lên trên khoảng cách không xa, xe cộ suốt ngày ầm ầm đi lại phía trên một đàn thờ Thần Đất, Thần Nông, tượng trưng cho Xã Tắc. Đứng về mặt tâm linh, tôi tin chắc rằng, người dân sẽ phản ứng kịch liệt”.
Theo GS thì cần phải đánh giá cho đúng giá trị của khu di tích đàn Xã Tắc. Nhiều người thường nghĩ rằng, đây chỉ là khu đàn Xã Tắc thời Lý, như vậy không sai nhưng giá trị của di sản còn lớn hơn thế.
"Tầng sâu nhất của khu di tích này là di tích Phùng Nguyên, di tích cư trú cách nay khoảng 3.500 năm. Đây là di tích cư trú sớm nhất của con người nằm trong vùng trung tâm của Hà Nội, riêng điều đó đã mang một giá trị đặc biệt. Tầng cao hơn là các di tích cư trú thời đầu Công nguyên, những năm đầu Bắc thuộc. Từ thời Lý, khu vực này là đàn Xã Tắc.
Di tích đàn Xã Tắc không chỉ thuần túy là một kiến trúc. Di tích đàn Xã Tắc có giá trị văn hóa và tâm linh rất cao.
Đàn Xã Tắc thờ thần Đất và thần Nông (Xã là đất và Tắc là Ngũ Cốc, Thần Ngũ Cốc cũng có nghĩa là Thần Nông). Trong các nghi lễ do triều đình chủ trì ngày xưa, cúng đàn Xã Tắc và cúng đàn Nam Giao có ý nghĩa thiêng liêng bậc nhất, trong đó đàn Xã Tắc là biểu tượng của đất nước, quốc gia, dân tộc. Di tích đàn Xã Tắc còn là một bộ phận cấu thành của di tích Hoàng thành Thăng Long".
GS Phan Huy Lê: Dừng cầu vượt Đàn Xã Tắc, tìm phương án khác
Theo thông tin trên báo chí, Hà Nội đã chọn phương án làm cầu vượt dọc theo đàn Xã Tắc và nối với đường vành đai 1 mở rộng. Thông tin dự án đảm bảo chỉ có hai mố cầu gần với đảo giao thông Xã Tắc nhưng không xâm phạm vùng lõi của di tích.
Tuy nhiên, GS Lê đã phân tích: "Cầu vượt làm bằng bê tông, theo nguyên tắc, móng cầu phải đào sâu, rộng, xây hết sức kiên cố. Như vậy dù hai móng cầu này trên bản vẽ không động chạm đến đảo giao thông, nhưng chắc chắn sẽ động chạm ngay một phần lõi của di sản đang bảo tồn trong lòng đất nằm ngoài đảo giao thông và có thể động chạm đến phần di tích chưa khai quật. Tôi xin nhấn mạnh là đảo giao thông hiện nay không phải là chỉ giới vùng lõi khu di tích. Nếu để xảy ra sự việc đó tức là vi phạm luật Di sản hết sức nghiêm trọng, buộc phải đình chỉ thi công. Bản thân dự án cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn".
GS nhấn mạnh việc xây cầu là phản cảm và di tích Đàn Xã Tắc cần được bảo tồn: “Muốn di tích bảo tồn trong lòng đất giữ được sự nguyên vẹn của nó, thứ nhất, phải tuyệt đối không đụng chạm đến, thứ hai, phải tạo điều kiện thuận lợi để sau này con cháu tiếp tục khai quật, nghiên cứu và bảo tồn. Nếu xây một cây cầu bê tông lên, kết cấu trường tồn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu đó và sẽ tạo nên một không gian phản cảm như tôi đã phân tích. Tôi xin nhấn mạnh, rất phản cảm vì di tích đàn Xã Tắc có tính chất tâm linh, thiêng liêng, không thể bắc cầu, xe cộ và người đi lại bên trên như vậy được”.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cũng khuyến nghị "Nên dừng dự án cầu vượt Ngã 5 Ô Chợ dừa, các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn.
Hơn nữa, theo GS Ngọc, xây cầu vượt Đàn Xã Tắc là phạm luật: “Khi một di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia thì nó phải được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Luật di sản văn hóa quy định rất rõ, về khu vực bảo vệ di tích bao gồm vùng lõi, vùng đệm, trong lòng đất, trên mặt đất và cả không gian, cảnh quan của vùng di tích. Chẳng hạn ở những khu di tích như thế này, việc xây nhà cao tầng trong không gian cảnh quan của di tích cũng sẽ bị cấm, thế thì việc xây một cây cầu khổng lồ úp trên trên di tích liệu luật có cho phép không?
Nếu xâm phạm di tích cũng là vi phạm luật mà vi phạm luật vì phải xử lý theo luật”.
Cũng với ý kiến bày tỏ quan điểm về chuyện làm cầu vượt qua di tích Đàn Xã Tắc là không nên làm, TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên đã gửi tới UBND TP.Hà Nội và Bộ VHTT&DL: Các trụ cầu vượt sẽ được đặt như thế nào để không xâm hại khu di tích có diện tích hơn 1.000m2? Có phải chính quý Bộ đã không tuân thủ Luật Di sản?
TS cho biết: “Tạm bỏ qua chuyện văn hóa tâm linh mà nhiều chuyên gia đã đề cập, cá nhân tôi quan tâm chuyện cầu vượt sẽ gồm 9 hoặc 10 nhịp, nghĩa là khoảng 60m sẽ có 1 trụ/mố cầu. Trong khi đó, khu di tích đã được xếp hạng lại có chiều dài trùng với tuyến cầu vượt.
Câu hỏi của tôi gửi UBND TP Hà Nội là: Các trụ cầu vượt sẽ được đặt như thế nào để không xâm hại khu di tích có diện tích hơn 1.000m2?”
Theo TS Kiên, phá Đàn Xã Tắc thì Bộ VHTT&DL không tuân thủ Luật Di sản.
Theo:Baodatviet