Giải pháp giảm ùn tắc bằng xe đạp đã gây ra những tranh luận trái chiều, Ông Bùi Thanh Liên cho rằng phương án này không có tính khả thi, vì đường sá của chúng ta không có làn đường riêng cho người đi bộ, xe máy, xe đạp ...như ở các nước khác.
Vận Tải 24h - 22/04/2013
Ông Liên cho biết, trong đề án phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2010 - 2015) của TP Hà Nội, sản xuất công nghiệp chủ yếu là lắp ráp quạt điện, tivi, tủ lạnh, xe đạp, xe máy... Hiện nay, trên khắp địa bàn Hà Nội có khoảng 30 nhà máy, xí nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp, nhưng không tiêu thụ được sản phẩm. Bởi vậy, theo ông Liên, đề xuất này có thể là một giải pháp nhằm kích cầu đối với ngành công nghiệp sản xuất xe đạp tại Hà Nội.
Cùng chung quan điểm, PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ (Đại học GTVT) nhận định: “Một bộ phận người làm việc tại văn phòng đã sẵn sàng đi xe đạp, như hình thức rèn luyện thể thao, với khoảng cách di chuyển gần khoảng 3-5km. Nhưng với những người công việc di chuyển nhiều, nhà ở xa chỗ làm, thì xe đạp chưa thực sự thuận tiện. Việc đi xe đạp có ý nghĩa nhiều hơn về mặt môi trường, còn về giảm ùn tắc, thì chưa thể khẳng định vì diện tích sử dụng lòng đường của xe đạp cũng xấp xỉ xe máy”.
Xung quanh đề xuất của Sở Công Thương, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng đưa ra quan điểm: Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, mỗi người dân có cách lựa chọn phương tiện đi lại riêng cho mình. Trong điều kiện thành phố đã mở rộng như hiện nay, yếu tố thời gian luôn được người dân đặt ra. Do đó mới có việc học sinh, sinh viên thường lựa chọn xe buýt để đi học vừa nhanh, thuận tiện, an toàn; gia đình có điều kiện thì trang bị xe máy, xe đạp điện cho con, em đi học để giữ gìn sức khỏe, còn những người kinh doanh buôn bán thì chọn xe máy là phương tiện di chuyển để vừa nhanh vừa chở được nhiều hàng hóa… Chỉ một số ít người nhà rất gần cơ quan và công việc không phải chạy đi chạy lại, mới đi xe đạp mà thôi.
Về phía Bộ GTVT, Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng lại khẳng định Đề án "Sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường" mà Sở Công Thương Hà Nội đề xuất hoàn toàn khả thi nếu giới hạn trong những chuyến đi có cự ly ngắn.
Theo tính toán, trong những chuyến khoảng 3 - 4km trở lại thì diện tích chiếm đường của xe con cao gấp 6 - 7 lần so với xe đạp. Do vậy, đề xuất tăng cường sử dụng xe đạp trong khu vực đô thị là giải pháp rất tốt trong việc giải quyết nhu cầu vận tải cá nhân, nhất là những chuyến đi có cự ly dưới 4km, vốn đang chiếm xấp xỉ 50% trên địa bàn thành phố. Còn với những chuyến đi dài, xe máy sẽ hiệu quả hơn. Xét về mặt chống ách tắc giao thông, vận tốc của xe máy cao hơn thì chống ách tắc tốt hơn trong khi diện tích chiếm dụng đường của xe máy cũng không cao hơn xe đạp
Theo: cand