Chiều 9.4, PC67 cho biết, từ ngày 8-15.4, PC67 đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về “văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ CSGT” trong quá trình thi hành công vụ. CSGT phải biết cười và xin lỗi dân trước khi xử phạt.
Vận Tải 24h - 13/04/2013
Đây là lớp tập huấn đặc biệt, là lần đầu tiên Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) - Công an TPHCM mở lớp tập huấn cho CSGT biết cười và xin lỗi dân khi xử phạt vi phạm trên đường phố.
Chiều 9.4, PC67 cho biết, từ ngày 8-15.4, PC67 đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về “văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của cán bộ chiến sĩ CSGT” trong quá trình thi hành công vụ.
Người được mời đến giảng dạy đợt tập huấn này là Giáo sư-tiến sĩ Vũ Gia Hiền (chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý giáo dục TPHCM). Theo PC67, một trong những nội dung cơ bản trong đợt tập huấn quan trọng này là nhằm xây dựng hình ảnh giao tiếp, ứng xử có văn hóa của CSGT với người dân trong khi thi hành công vụ.
Đây là đợt tập huấn nhằm chấn chỉnh những hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa, hành vi quan liêu, tham nhũng, thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân, từ đó sẽ xây dựng hình ảnh CSGT gắn bó mật thiết với dân, kính trọng lễ phép, lắng nghe ý kiến, dựa vào dân để giữ gìn an ninh trật tự.
Giáo sư-tiến sĩ Vũ Gia Hiền cho biết: “Tôi đã từng khảo sát các chốt, điểm có CSGT làm nhiệm vụ, thấy CSGT rất ít cười, xin lỗi người dân trước khi xử phạt vi phạm hành chính”. Cũng theo tiến sĩ Hiền, CSGT thực sự là người của công chúng, thời đại công nghệ thông tin hiện nay thì những hình ảnh của CSGT dễ dàng được ghi hình ảnh, quay phim lại và phổ biến khắp nơi, do đó một hình ảnh không đẹp của một cán bộ chiến sĩ CSGT dễ dàng ảnh hưởng đến lực lượng của ngành.
Mục đích của người CSGT là nhằm đến giáo dục để con người hiểu luật pháp, không vi phạm Luật Giao thông… chứ không chỉ một mục đích là để trừng phạt. CSGT khi làm nhiệm vụ phải luôn tươi cười, rồi phải xin lỗi dân trước khi công bố lỗi vi phạm, xử phạt người dân.
Thượng tá Trần Thanh Trà- Trưởng phòng PC67- cho biết: “Mục đích lớp tập huấn lần này là hướng đến xây dựng hình ảnh người cán bộ chiến sĩ CSGT đẹp, tức là khi xử lý vi phạm, đầu tiên phải chào, xin lỗi người dân, rồi công bố hình ảnh vi phạm, giải thích cặn kẻ các lỗi vi phạm đó để người dân biết và hiểu”.
Chiều cùng ngày, theo PC67, trong quý I năm 2013 đã có 588 trường hợp cán bộ chiến sĩ CSGT liêm khiết, không nhận hối lộ với tổng số tiền gần 120 triệu đồng, có 88 trường hợp CSGT dũng cảm, truy bắt 28 vụ án trộm, cướp, tụ tập đua xe trái phép, buôn bán, vận chuyển hàng lậu… bắt giữ 12 đối tượng thu giữ nhiều tang vật. Ban Giám đốc Công an TPHCM đã tặng giấy khen cho 9 tập thể và 149 cá nhân để động viên khích lệ.
Ngay cả phụ huynh cũng "quên" đội mũ bảo hiểm
Rất ít phụ huynh trang bị mũ bảo hiểm cho con
Cảnh tượng thường thấy sau mỗi giờ tan trường
Ngày 16/3 tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị triển khai giai đoạn 2 chiến dịch “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm”.
Sau giai đoạn 1, tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông tại TP HCM đã tăng từ 22% lên 50%; còn ở TP Hà Nội từ 8% lên 11%. Vì vậy, Ban ATGT Hà Nội đã lên kế hoạch tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tuần tra, xử lý vi phạm quy định về đội MBH cho trẻ em trên 10 quận, 19 huyện, thị xã của TP. Việc tuần tra xử lý vi phạm sẽ do Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - CA TP Hà Nội triển khai thực hiện, tập trung trọng điểm trên địa bàn 3 quận Ba Đình, Đống Đa và Cầu Giấy. Dự kiến, đợt cao điểm xử phạt các phụ huynh không đội MBH cho trẻ em trên 6 tuổi khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy sẽ từ ngày 1/4-1/6.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (Ban ATGT) Hà Nội, hiện nay tỷ lệ đội MBH ở các trường tiểu học đạt thấp nhất so với khối THCS và THPT. Cụ thể, ở quận Ba Đình đạt 9%, quận Đống Đa đạt 7,3% và quận Cầu Giấy là 11,4%.
Theo: Laodong