Các Quốc Lộ: QL1, 1A, 21A, 21B, 38… luôn “tấp nập” các loại xe quá tải, quá khổ vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng. Và hệ lụy tất yếu là nhiều tuyến QL bị xuống cấp nghiêm trọng. Đường sá không chỉ bị hư hỏng, mà tình trạng đất, đá, cát sỏi vương vãi ra đường trong quá trình vận chuyển vừa gây nguy hiểm trực tiếp cho người tham gia giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Từ thực tế bất cập trong công tác kiểm soát tải trọng xe, cũng như tác hại mà xe quá khổ, quá tải gây ra cho nền kinh tế, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện một loạt các biện pháp về quản lý, xử lý những trường hợp vi phạm; trong đó biện pháp kiểm soát từ gốc, tức là từ khi bốc xếp hàng lên xe được xem là một trong những “chìa khóa” giúp tiến tới chấm dứt tình trạng này.
Kinh nghiệm từ cơ sở
Tỉnh Hà Nam là địa phương có thế mạnh về nguyên vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, nhiều năm nay, các tuyến QL trọng điểm qua địa bàn tỉnh như QL1, 1A, 21A, 21B, 38… luôn “tấp nập” các loại xe quá tải, quá khổ vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng. Và hệ lụy tất yếu là nhiều tuyến QL bị xuống cấp nghiêm trọng. Đường sá không chỉ bị hư hỏng, mà tình trạng đất, đá, cát sỏi vương vãi ra đường trong quá trình vận chuyển vừa gây nguy hiểm trực tiếp cho người tham gia giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Xe quá tải, quá khổ không chỉ gây hư hại đường sá, mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Đối phó với thực trạng này, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Nam Khổng Bình Nguyên cho biết: Sở phối hợp với Phòng CSGT tỉnh ngoài việc thường xuyên vận động các cơ quan chức năng, các huyện có mỏ đá, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng phát tờ rơi về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho đội ngũ lái xe, các doanh nghiệp vận tải, tổ chức cho lái xe ký cam kết không vi phạm. Đồng thời, bố trí lực lượng liên ngành thanh tra - CSGT ứng trực ngày đêm tại các địa bàn trọng điểm để xử lý vi phạm “từ gốc”. Cụ thể là từ nơi xe bốc xếp vật liệu. Các trường hợp chở quá tải nguy hiểm, lực lượng liên ngành địa phương kiên quyết yêu cầu lái xe đưa xe về bãi hạ tải, lập biên bản xử lý.
Vận Tải 24h - 04/04/2013
Nhờ vậy, tình trạng xe quá khổ, quá tải hiện đã giảm rõ rệt. Công an tỉnh đang đề xuất xây dựng một trạm cân xe trọng tải lớn đặt tại “cửa ngõ” vào các mỏ đá, nhà máy vật liệu xây dựng và ra QL, nhằm kiểm soát 24/24 giờ trong ngày các xe chở quá khổ, quá tải.
Để hạn chế tình trạng xe quá khổ, quá tải phá đường và lập lại trật tự ATGT trên các tuyến QL qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhất là các tuyến QL huyết mạch, Công an tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng các chuyên đề xử lý xe quá tải, quá khổ định kỳ hàng tháng. Tất cả các trường hợp vi phạm quá tải trọng bị phát hiện, bắt giữ đều được các tổ đội CSGT chốt trực trên đường yêu cầu xuất trình hóa đơn nhập hàng. Nếu xe chở quá số lượng hàng hóa so với hóa đơn, lực lượng CSGT sẽ tạm giữ giấy phép lái xe và lập biên bản xử phạt với số hàng vượt quá tải trọng.
Theo Đại tá Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Tuyên Quang), nhờ việc áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm minh này mà tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên địa bàn giảm hẳn; nhiều lái xe tải nặng ngay từ khi nhận hợp đồng vận chuyển đã lưu ý các chủ hàng là họ không nhận chở vượt quá trọng tải quy định. Bên cạnh đó, Công an tỉnh phối hợp với Sở GTVT gửi công văn tới các công ty, nhà máy sản xuất, cung cấp xi măng, khoáng sản, nguyên vật liệu… trên địa bàn yêu cầu các đơn vị ký cam kết không chở hàng quá tải trọng, quá giới hạn cho phép của phương tiện, cầu, đường. Đơn vị nào bị phát hiện vi phạm, ngoài việc bị xử phạt nặng về kinh tế thì lãnh đạo đơn vị còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật...
Các giải pháp lâu dài
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng để phát hiện, xử lý xe quá khổ, quá tải, nhất thiết phải có các trạm cân kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến QL. Song, việc lắp đặt phải theo quy hoạch, trạm cân phải đặt ở các đầu mối lưu thông hàng hóa, đầu mối giao thông và được đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa toàn bộ các khâu hoạt động của trạm để tránh tiêu cực. Ngoài ra, có thể bổ sung một số trạm cân di động trên đường, song áp dụng đối với các tuyến nóng, để hỗ trợ cho các trạm đầu mối. Theo ông Hùng, khâu cân và hạ tải xe vi phạm cần phải thực hiện triệt để, công bằng đối với tất cả các xe chở quá tải.
Theo Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, từ năm 2013 đến năm 2030, Bộ GTVT sẽ xây dựng 45 Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định trên hệ thống đường bộ dọc các tuyến QL với tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng.
Dự kiến, trong thời gian tới, Tổng cục ĐBVN sẽ lập 11 trạm cân cố định và 67 trạm cân di động trên toàn quốc để kiểm soát tải trọng xe nhằm giữ đường, giảm thiểu tai nạn giao thông. Trước mắt, từ ngày 1/4/2013, Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính - xã hội sẽ thí điểm kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ 5 và quốc lộ 10 bằng việc đưa hai trạm cân di động vào hoạt động.
Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Lê Đình Thọ cho biết: Tổng cục có thể đưa các trạm cân di động vào hoạt động ngay, trong khi việc xây dựng trạm cân cố định thì cần rất nhiều thời gian để tiến hành các thủ tục giao đất, xây dựng hệ thống nhà cân, nhà kho dỡ tải... Mặt khác, hiện nay bắt đầu xuất hiện hiện tượng xe quá khổ, quá tải “né” hai trạm cân cố định thí điểm ở Quảng Ninh và Đồng Nai bằng cách đi vòng qua các tỉnh lộ. Vì thế, các trạm cân di động có thể di chuyển địa điểm kiểm soát kịp thời xử lý hiện tượng này.
Theo: baotintuc