VINASA đề xuất áp dụng công nghệ GPS lắp trên xe taxi, xe buýt cùng hệ thống camera và phần mềm thống kê lưu lượng giao thông tự động tại các nút giao thông, tuyến đường. Biện pháp này sẽ giúp đếm khá chính xác lưu lượng phương tiện, giúp cơ quan điều hành giao thông biết được tình trạng ùn tắc hay thông thoáng của toàn thành phố tại bất cứ thời điểm nào.
Vận tải 24h - 12/03/2013
Theo đại diện VINASA, hiện lưu lượng giao thông trên các tuyến đường được đếm một cách thủ công, rất ít đường có camera giám sát, do vậy số liệu không chính xác, gây khó khăn cho công tác tổ chức, hướng dẫn giao thông.
VINASA đề xuất áp dụng công nghệ GPS lắp trên xe taxi, xe buýt cùng hệ thống camera và phần mềm thống kê lưu lượng giao thông tự động tại các nút giao thông, tuyến đường. Biện pháp này sẽ giúp đếm khá chính xác lưu lượng phương tiện, giúp cơ quan điều hành giao thông biết được tình trạng ùn tắc hay thông thoáng của toàn thành phố tại bất cứ thời điểm nào.
Ngoài ra, đại diện VINASA đưa ra nhiều giải pháp tổ chức giao thông ứng dụng công nghệ thông tin, như: chống ùn tắc bằng hệ thống đèn tín hiệu tại ngã tư, thiết lập tự động nhờ hệ thống camera thu thập lưu lượng giao thông và tốc độ lưu thông trong khu vực.
Giải pháp khác là cảnh báo sớm cho người tham gia giao thông về tình trạng ùn tắc tại các tuyến phố để họ chủ động thay đổi phương tiện, hướng đi trên đường bằng hệ thống biển báo điện tử hiển thị hướng xe cộ ít hay ùn tắc hoặc lưu thông ổn định.
Tổng thể mạng lưới giao thông của thành phố được hiển thị bằng một màn hình giám sát lớn. Hệ thống bản đồ giao thông số sẽ được cung cấp cho cảnh sát giao thông, các doanh nghiệp làm dịch vụ giao thông công cộng, người dân qua điện thoại, tivi, Internet... Người dân sẽ nắm bắt được tình hình giao thông thực tế từ xa, chủ động lựa chọn tuyến đường vắng hơn, hoặc chọn lựa phương tiện đi lại công cộng hay cá nhân và chủ động bố trí công việc.
PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết, đề án này đã được Công ty FPT nghiên cứu từ rất lâu, với mong muốn đem đến giải pháp đồng bộ, hiện đại, kết hợp các xu hướng công nghệ thông tin mới nhất trên thế giới để áp dụng trong giao thông đô thị. Một ví dụ đơn giản là nếu cảnh sát giao thông bắt được xe máy tại chỗ thì có thể truy ngay được ai là chủ xe.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, VINASA đưa ra giải pháp tổng thể, xóa được tình trạng manh mún tại nhiều trung tâm điều hành giao thông hiện nay. Song vấn đề trước mắt là cần có lộ trình và kinh phí để thực hiện.
"Ủy ban An toàn giao thông mong muốn năm 2013 sẽ triển khai hệ thống bản đồ giao thông số trong cả nước, người lái xe được cập nhật thông tin về hiện trạng giao thông trên tuyến đường họ đang đi như các điểm đen, ùn tắc. Dữ liệu đầu vào được thu nhập từ nhiều nguồn thuộc Tổng cục Đường bộ", ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Đánh giá cao đề án ứng dụng công nghệ thông tin của VINASA, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lập Ban chỉ đạo nghiên cứu tổng thể đề án trên cơ sở khai thác hạ tầng hiện có và áp dụng các biện pháp mới để tránh đầu tư lãng phí. Bởi hiện nhiều địa phương đã và đang thực hiện các biện pháp, song không đồng bộ, mỗi đường cao tốc có một trung tâm điều khiển với công nghệ được tài trợ khác nhau. Ban chỉ đạo sẽ giúp các địa phương lựa chọn công nghệ, xây dựng lộ trình triển khai. Bộ trưởng yêu cầu đến tháng 6 phải hoàn tất đề án và có tiến độ, phương án cụ thể để thực hiện.
"Mỗi ngày có 30 người dân ra đường không quay trở lại và vài chục người bị phế tích vì tai nạn giao thông nên chúng ta phải có trách nhiệm, cùng chung tay tạo ra một xã hội văn minh, an toàn. Tôi mong muốn triển khai tốt đề án này", Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Theo VnExpress