Quyết định cũng đề cập việc phát triển giao thông tĩnh và giao thông tiếp cận cho người khuyết tật; kiểm soát dự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân; giải quyết ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị.
Vantai24h - 28/02/2013
Ngày 25/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 356/QĐ-TTg về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Quyết định trên đã nêu rõ quan điểm giao thông đường bộ là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng hạ tầng kinh tế xã hội. Vì vậy, cần được ưu tiên đầu tư phát triển, để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phát triển giao thông vận tải đường bộ hợp lý, đồng bộ và bền vững trong một quy hoạch thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác, liên kết giữa các phương thức vận tải, phù hợp với điều kiện địa lý, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt và có hiệu quả.
Quyết định cũng ghi rõ tập trung nguồn lực để xây dựng, nâng cấp một số tuyến có nhu cầu vận tải lớn, cơ bản đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường bộ hiện có; xây dựng một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, các trục cao tốc trọng yếu theo quy hoạch được duyệt; coi trọng công tác quản lý, bảo trì để tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; nhanh chóng phát triển giao thông vận tải xe buýt tại các đô thị lớn, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quyết định được phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020, giao thông đường bộ phải đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn thuận lợi, kiểm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; phát huy lợi thế vận tải đường bộ có tính cơ động cao, hiệu quả trong phạm vi hoạt động đường ngắn, gom hàng, tạo chân hàng cho các phương thức vận tải khác.
Đến năm 2030, giao thông đường bộ phải thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn; kết nối được với các phương thức vận tải khác, nhất là các điểm chuyển tải khách đường dài với vận tải khách đô thị; hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tiếp tục xây dựng các tuyến cao tốc; đường đô thị, đường vành đai.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, thay thế quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24/8/2009. Các nội dung trái với quyết định này đều bãi bỏ./.
Theo: vietnamplus