Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong nước, chủ động đề xuất các biện pháp thích hợp để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bình ổn giá cả thị trường.
Vantai24h - 28/02/2013
Ghi nhận diễn biến giá xăng dầu thế giới cho thấy giá xăng đang có xu hướng đi ngang và so với đầu tuần trước đã giảm nhẹ. Tại Singapore, ngày 25-2 giá xăng A92 tiếp tục đứng ở mức 129,92 USD/thùng, xăng A95 là 133,61 USD/thùng và dầu DO là 131,94 USD/thùng. Trong hai phiên giao dịch trước đó, giá các mặt hàng này cũng đứng ở mức tương đương, tức giảm khoảng 3 USD/thùng so với đầu tuần trước.
Trong khi đó ngày 26-2, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hiện xảy ra tình trạng khan hàng từ các đầu mối. Cụ thể, các doanh nghiệp đăng ký lấy hàng, doanh nghiệp đầu mối không giải quyết ngay như những thời điểm thông thường. Thay vào đó, các cây xăng phải cạn hàng mới được giải quyết nhập hàng mới vào kho. Trường hợp còn hàng sẽ bị yêu cầu chờ. Trong khi trước đây các cây xăng vẫn lấy hàng theo hình thức gối đầu chứ không chờ kho hết mới nhập thêm. Sở dĩ xảy ra tình trạng này vì nhiều đại lý kỳ vọng giá xăng sẽ tăng trong vài ngày tới nên muốn tăng lượng hàng trong kho, khi giá tăng sẽ được hưởng khoản chênh lệch. Tuy nhiên ở một số tổng đại lý lớn, tình trạng này không xảy ra. Doanh nghiệp vẫn được lấy hàng bình thường.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, chiết khấu cho đại lý vừa tiếp tục bị hạ xuống mức thấp thê thảm. Ngày 26-2, chiết khấu xăng chỉ còn 150-200 đồng/lít, trong khi riêng phí vận chuyển đã khoảng 100 đồng/lít. Giới kinh doanh xăng dầu tính toán mỗi lít xăng đang bị lỗ 300-350 đồng. Với mức lỗ này, các doanh nghiệp bán lẻ thừa nhận phải hạn chế lượng hàng bán ra.
Ngày 26-2, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chưa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá và các biện pháp tài chính khác để ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Theo: Tuoitre