Trong năm 2012 vừa qua, với việc đưa vào sử dụng và khởi công xây dựng hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, TP Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm từng bước tháo gỡ hiệu quả những khó khăn, khúc mắc nói trên của mình. Trên nền tảng cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại này, thành phố mang tên Bác được kỳ vọng sẽ tạo được đà cho những bước phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt trong thời gian tiếp sau.
Vantai24h - 13/02/2013
Trong năm 2012 vừa qua, với việc đưa vào sử dụng và khởi công xây dựng hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, TP Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm từng bước tháo gỡ hiệu quả những khó khăn, khúc mắc nói trên của mình. Trên nền tảng cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại này, thành phố mang tên Bác được kỳ vọng sẽ tạo được đà cho những bước phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt trong thời gian tiếp sau.
Thông luồng sông Soài Rạp cho tàu lớn
Từ trước đến nay, tàu từ biển Đông vào TP Hồ Chí Minh phải vòng qua mũi Vũng Tàu, vịnh Gành Rái và các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè để vào cảng Sài Gòn với tổng chiều dài của quãng đường là 85km. Mặt khác, luồng Lòng Tàu không rộng, không đón được các tàu biển lớn ra vào, ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế biển của thành phố.
Tại khu vực cảng Hiệp Phước hiện đã có cảng container quốc tế SPCT đi vào hoạt động nhưng luồng Soài Rạp vẫn chưa đạt độ sâu cần thiết để tàu có trọng tải lớn ra vào. Với tổng số vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng để nạo vét giai đoạn 2 (từ ngày 24/11/2012), luồng Soài Rạp sẽ được nạo vét đạt độ sâu -9,5m để đảm bảo tàu có tải trọng 30.000 tấn đủ tải và tàu 50.000 tấn giảm tải ra vào cụm cảng Hiệp Phước. Chiều dài luồng nạo vét là 54km, sẽ rút ngắn khoảng gần 30km so với luồng Lòng Tàu.
Dự án nạo vét trên được thực hiện trên diện tích 1.308 ha mặt nước sông Soài Rạp ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang. Khối lượng bùn đất nạo vét đợt 1 ước tính đạt hơn 11,5 triệu m3. Dự kiến sau 14 tháng thi công, khi luồng Soài Rạp đưa vào sử dụng sẽ làm tăng khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TP Hồ Chí Minh, tăng thu ngân sách thuế xuất nhập khẩu cho đất nước và kéo cả vùng đô thị Hiệp Phước phát triển theo.
Cũng theo tính toán, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 120-150 triệu tấn. Nguồn thu do luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015-2025) ước chừng 580.000-720.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí để nạo vét, bảo dưỡng cho dự án này và trả nợ vay của chính phủ Bỉ trong 10 năm chỉ khoảng 4.810 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng khoản thu dự kiến.
“Cứu” thành công dòng kênh “chết”
Sau gần 20 năm nỗ lực cải tạo, ngày 18/8/2012, dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) và xây dựng cải tạo đường Hoàng Sa và Trường Sa đã được tổ chức khánh thành.
Để làm sạch dòng kênh ô nhiễm này, từ năm 1993, thành phố đã giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ và tiến hành xây dựng hai tuyến đường dọc hai bên ven kênh. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng, đền bù, giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh; nạo vét khoảng 260.000m3 bùn đất; làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh,...
Đến năm 2003, kế hoạch cải tạo dòng kênh tiếp tục được thực hiện bằng dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ nguồn vốn tài trợ của ngân hàng quốc tế. Dự án có số vốn hơn 300 triệu USD với các hạng mục chính như nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải,...
Ngay khi hoàn thành giai đoạn 1 và tiếp tục tiến hành việc cải tạo giai đoạn 2, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được đông đảo người dân kỳ vọng sẽ xanh, sạch trở lại, góp phần làm đẹp cho mĩ quan đô thị và bộ mặt của thành phố.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thay da, đổi thịt sau 20 năm cải tạo. Ảnh: TTO.
Xây dựng tuyến metro đầu tiên của Việt Nam
Ngày 28/8/2012, tuyến metro số 1 đã được khởi công xây dựng. Đây không những là tuyến metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh mà còn là của cả nước với tổng vốn đầu tư lên đến 2,4 tỷ USD. Theo kế hoạch, đến đầu năm 2018, công trình sẽ được đưa vào sử dụng. Tuyến metro số 1 này có chiều dài gần 20km, đi qua địa bàn các quận: 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Trong đó, có khoảng 2,6km đi ngầm (với 3 nhà ga) và hơn 17km chạy trên cao (với 11 nhà ga).
Ưu điểm nổi bật của tàu điện metro là khả năng vận chuyển hành khách rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn lượt người mỗi ngày. TP Hồ Chí Minh đang kỳ vọng tuyến tàu điện hiện đại này sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố.
Việc triển khai dự án tuyến metro số 1 còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị dọc tuyến như quận 2, 9, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Trong tương lai, tuyến metro này có thể được kéo dài đến thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và đấu nối với tuyến đường sắt liên vùng đến TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Phối cảnh khu mua sắm ngầm và nhà ga tuyến Metro số 1 Bến Thành.
Xây dựng cầu Sài Gòn 2
Được khởi công xây dựng ngày 14/4 với số vốn lên đến gần 1.500 tỷ đồng, cầu Sài Gòn 2 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014. Khi đưa vào sử dụng, cây cầu này được hứa hẹn sẽ góp phần giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện nay và giải tỏa ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố.
Theo thiết kế, cầu Sài Gòn 2 sẽ nằm cách cầu Sài Gòn hiện nay là 3m. Cầu Sài Gòn 2 có chiều dài tương đương cầu Sài Gòn hiện tại (dài 987m, rộng 23,5m), chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hai bánh và có phần đường lề dành cho người đi bộ. Cầu được thiết kế sử dụng với thời gian 100 năm, chịu được động đất cấp 7, cho phép các loại xe chạy trên cầu với tốc độ 80km/h.
Lắp ghép 2 cây cầu vượt bằng thép
Từ trước đến nay, ngã tư Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức là hai trong số những nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc vào loại nghiêm trọng nhất của thành phố. Để giải quyết tình trạng trên, TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công xây dựng 2 cây cầu vượt bằng thép tại 2 khu vực này với tổng số vốn đầu tư là 460 tỷ đồng. Theo yêu cầu của UBND TP Hồ Chí Minh, 2 cầu vượt này phải được hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2013 để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố.
Khánh thành cầu Rạch Chiếc
Ngày 10/7/2012, cầu Rạch Chiếc với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng đã được khánh thành trước thời hạn dự kiến 5 tháng. Đây là cây cầu có ý nghĩa to lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây 37 năm để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện tại, cầu Rạch Chiếc cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông của cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố, cụ thể là tuyến xa lộ Hà Nội. Cầu Rạch Chiếc mới có tổng chiều dài 736m, rộng 48m với 10 làn xe. Cây cầu này cũng được thiết kế với tuổi thọ 100 năm.
Vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh những thành tích đã đạt được như trên, hiện tại, TP Hồ Chí Minh còn phải đối diện với rất nhiều thách thức không hề nhỏ. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố vẫn chưa được đồng bộ, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sử dụng rất lớn của người dân, nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội. Vẫn còn cả một hệ thống đồ sộ những tuyến đường nhỏ, hẹp, thường xuyên xảy ra ách tắc, ùn ứ. Chất lượng và qui mô các công trình giao thông cũng còn tỏ ra chênh lệch quá lớn giữa các quận nội thành và các quận, huyện ngoại thành. Bên cạnh đó, tình hình tai nạn giao thông trong năm 2012 tuy giảm ở cả ba tiêu chí quan trọng nhưng vẫn còn ở mức cao, chưa mang tính bền vững. Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông nhìn chung còn kém, góp phần làm khó khăn trong công tác đảm bảo trật tự và an toàn giao thông cho các cơ quan hữu trách.
Cần phải nói thêm là con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tuy mới được “hồi sinh” ít tháng nay nhưng dòng kênh này hiện tại lại đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa ô nhiễm trở lại. Nhiều quán cóc, hộ dân sống dọc hành lang hai bên con kênh này vẫn vô tư xả thải rác, phế liệu xuống kênh. Bên cạnh đó, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hai tuyến đường là Hoàng Sa và Trường Sa đã liên tiếp xuất hiện hàng chục hố “tử thần”, đe dọa đến an toàn, tính mạng của người dân trong khu vực.
Ngoài ra, tuyến đường hành lang Đông Tây (Đại lộ Đông Tây), con đường được coi là đẹp và hiện đại vào loại bậc nhất của thành phố có tổng chiều dài là 21,89km, chạy qua địa bàn 8 quận, tuy mới được đưa vào sử dụng chính thức từ ngày 20/11/2011 nhưng sau một thời gian ngắn đã có những dấu hiệu bị xuống cấp. Một số vị trí trên đường bị lún, xuất hiện con lươn, ổ gà, ổ voi, nhiều điểm còn bị ngập nước lênh láng khi có mưa,... khiến cho tình hình tai nạn giao thông ở đây luôn có diễn biến phức tạp và khôn lường.
Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát và bảo vệ đối với các công trình, hạ tầng giao thông vận tải của thành phố luôn cần phải được triển khai một cách đồng bộ để đảm bảo cho chất lượng và giá trị sử dụng của các công trình này có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân, nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, và đặc biệt là phát huy được hiệu quả từ những chủ trương, quan tâm đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Theo: Báo CAND tết 2013