Theo báo cáo tài chính vừa được công bố của Công ty CP Vận tải biển Vinaship (VNA), chỉ riêng trong quý 4-2012, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNA đã giảm tới trên 30% so với cùng kỳ năm 2011. Trước tình hình khó khăn, VNA đã thực hiện tối đa các biện pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí.
Vantai24h.vn - 01/02/2013
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cước vận tải biển cũng như giá cho thuê tàu sụt giảm nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu hồi phục, trong khi đó nguồn hàng vận chuyển khan hiếm, chi phí về nguyên liệu lại tăng đã khiến cho các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển tiếp tục có thêm một năm kinh doanh đầy sóng gió với lợi nhuận giảm sút rất mạnh. Trong đó, một số doanh nghiệp còn có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhờ đó, giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, các chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính đã giảm hơn 94 tỷ đồng so vời cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, trong quý 4-2012, công ty đã giao dịch bán thanh lý thành công tàu Hà Đông do tàu quá cũ, khai thác không hiệu quả. Vì vậy khoản thu nhập khác của công ty trong quý 4-2012 tăng hơn 22 tỷ đồng so với quý 4-2011.
Từ những nỗ lực trên, lợi nhuận sau thuế quý 4-2012 của VNA đạt 19,8 tỷ đồng, tăng trên 231% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, mức tăng này cũng không đủ để bù đắp những khoản lỗ trước đó. Tính chung cả năm 2012, VNA lỗ hơn 28 tỷ đồng, trong khi năm 2011, công ty lãi ròng 32 tỷ đồng.
Công ty CP Container Phía Nam (VSG) cũng có kết quả kinh doanh lỗ triền miên trong suốt thời gian dài. Theo đó, mặc dù doanh thu trong quý 4-2012 của VSG chỉ giảm 10 tỷ đồng (tương đương 36%), nhưng do chi phí đắt đỏ nên công ty phải gánh khoản lỗ lên tới 19,8 tỷ đồng, tăng 72% so với số lỗ trong quý 4-2011. Lũy kế cả năm 2012, VSG lỗ 58,6 tỷ đồng. Trước đó, năm 2011 công ty đã lỗ 37,6 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam (VOS) cũng âm hơn 36 tỷ đồng. Một trường hợp khác là Công ty CP Vận tải và Thuê Tàu biển Việt Nam (VST) với khoản lỗ lên tới 127,8 tỷ đồng, gấp hơn 45 lần số lỗ của năm 2011.
Trước thực tế kinh doanh khó khăn, thua lỗ triền miên, các doanh nghiệp ngành vận tải biển còn phải đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết do thua lỗ kéo dài hoặc có tổng số lỗ lũy kế vượt quá mức vốn điều lệ. Tiêu biểu trong số đó là công ty VSG, đến thời điểm hiện tại lỗ lũy kế của công ty là 140,5 tỷ đồng, vượt qua số vốn điều lệ thực góp là 110,44 tỷ đồng. Trước đó, VSG đã lỗ 2 năm liên tiếp 2010 và 2011, và hiện đang được giao dịch dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.
Với trường hợp của Công ty CP Hàng Hải Đông Đô (DDM), hiện tại DDM chưa công bố báo cáo tài chính quý 4-2012. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý 3-2012 của DDM, công ty lỗ 26,6 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 2-2012. Tính đến thời điểm ngày 30-9-2012, lỗ lũy kế của DDM đã là 95,8 tỷ đồng.
Trong khi vốn điều lệ thực góp là 122,4 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu DDM cũng đang thuộc diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2010 là số âm. Năm 2011, tuy công ty có lãi 184 triệu đồng, nhưng vẫn lỗ lũy kế tới 57 tỷ đồng do khoản lỗ từ năm 2010.Do đó, nếu kết quả kinh doanh quý 4 của công ty này không được cải thiện và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 có số lỗ lũy kế vượt quá 122,4 tỷ đồng thì cổ phiếu DDM cũng sẽ bị hủy niêm yết.
Theo:xaluan.com